Phú Thọ: 18/18 xã đạt chuẩn, vì sao nói nông thôn mới huyện Thanh Ba không có điểm kết thúc?

Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 16/02/2023 18:12 PM (GMT+7)
Hiện 18/18 xã của huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Thanh Hà, xã Đồng Xuân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thanh Ba quyết tâm trong năm 2023 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có thêm xã Đông Thành, xã Chí Tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bình luận 0

''Khoác áo mới'' cho vùng nông thôn

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm riêng, sáng tạo.

Đến nay, 18/18 xã của huyện Thanh Ba đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Thanh Hà, xã Đồng Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại các vùng nông thôn ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa, đường bích họa, đường không rác thải do chính quyền và nhân dân cùng làm không chỉ đáp ứng một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho vùng nông thôn.

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 1.

Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn huyện Thanh Ba. Ảnh: Hoan Nguyễn

Thành công này đã thực sự tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện, đồng thời là động lực để huyện Thanh Ba quyết tâm trong năm 2023 đạt chuẩn huyện NTM và có thêm hai xã (Đông Thành, Chí Tiên) đạt chuẩn NTM nâng cao.

Còn nhớ, năm 2010, cùng các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thanh Ba bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, đặc biệt hạ tầng vùng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng NTM, huyện Thanh Ba nhận thức phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời cần có cách làm riêng mang tính đột phá, phù hợp với thực tế của địa phương và quan trọng nhất là người dân phải là chủ thể của chương trình.

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 2.

Mô hình “Đường hoa xây dựng nông thôn mới” với các loại hoa được đưa vào trồng thành 3 lớp là hoa Chiều Tím, hoa Trạng nguyên; hoa Dã Quỳ và hoa cúc sao nháy vừa thích ứng với môi trường, thời tiết và hoa nở đẹp vào các mùa, phù hợp với cảnh quan ven 2 bên đường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Xác định rõ mục tiêu, Thanh Ba đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Theo đó, việc xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư - "dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ". Trong quá trình triển khai, huyện Thanh Ba không lựa chọn thí điểm như hầu hết các địa phương khác mà tiến hành thực hiện đồng loạt tại tất cả các xã.

Để xây dựng NTM thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả như mong đợi, công tác chỉ đạo điều hành trong từng giai đoạn cũng được huyện điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Từ việc tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đến việc xây dựng các mục tiêu cụ thể cũng được tính toán và tổ chức một cách linh hoạt tạo ra sự khăng khít và hiệu quả trong quá trình phối hợp thực hiện. Đồng thời, công tác tuyên truyền được huyện xác định là giải pháp quan trọng, cần đi sớm, đi trước để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích mà chương trình xây dựng NTM hướng tới.

Cùng với đó, huyện Thanh Ba cũng triển khai nhiều chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình, như: Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn…

Cùng với những khởi sắc mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, huyện Thanh Ba đã và đang tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí về văn hoá - xã hội. Trong năm 2022, huyện đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch duy trì 16/16 trường học đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí hơn 57 tỉ đồng; 18/18 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, tỉ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 92,36%...

Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước mở đường để khai mở nền kinh tế và khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư, huyện tập trung thực hiện việc quy hoạch, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã kết nối với đường tỉnh, bảo đảm phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Trong đó, tập trung vào 3 dự án giao thông trọng điểm: Tuyến đường giao thông kết nối từ nút giao km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba có chiều dài 7,647km, tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng; tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi Cụm công nghiệp Bãi Ba qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 11,019km, tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng và tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 314B, đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện (giai đoạn 1) có chiều dài 1,99km, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng.

Cùng với đó, huyện tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong năm 2022 các xã đã tiếp nhận 3.145 tấn xi măng làm đường giao thông, đưa tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%.

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 3.

Huyện Thanh Ba đã tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình trong thực hiện xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, huyện đã và đang huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho Cụm công nghiệp Bãi Ba 2, phối hợp với các nhà đầu tư triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; lập nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Ba giai đoạn một (1.500ha), trình thẩm định thành lập Cụm công nghiệp Quảng Yên (69,42ha) đồng thời đề xuất bổ sung Cụm công nghiệp Quảng Yên 2 (75ha) và Cụm công nghiệp phía Đông Bắc của huyện (75ha) vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với hướng đi đúng và cách làm hiệu quả, huyện Thanh Ba đã trở thành một trong những địa phương đi đầu xây dựng NTM của tỉnh Phú Thọ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

Gắn chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới

Song song với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, Thanh Ba thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh và huyện về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xác định rõ, đích đến, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn; huyện Thanh Ba đã triển khai những giải pháp đột phá về sản xuất và thu nhập. 

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 4.

Mô hình trồng nho và liên kết sản xuất đang được nhân rộng tại huyện Thanh Ba. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong đó mang nhiều dấu ấn nhất là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo, đạt được kết quả lớn. Tính đến nay, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao đang trình Trung ương chấm hạng 5 sao.

Riêng năm 2022, huyện đã xây dựng, phát triển được 2 dự án liên kết: Dự án sản xuất, tiêu thụ gà trống thiến trên địa bàn xã Quảng Yên; dự án trồng mới, thâm canh, chế biến chè xanh chất lượng cao trên địa bàn xã Chí Tiên và đang chỉ đạo thực hiện mô hình liên kết doanh nghiệp sản xuất khoai tây tại xã Lương Lỗ.

Cũng trong năm 2022, huyện đã hoàn thành việc xây dựng website nông sản Thanh Ba quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm OCOP.

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 5.

Song song với xây dựng NTM, huyện Thanh Ba đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản cho người dân. Ảnh: Hoan Nguyễn

18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Ba quyết "cán đích" trong năm 2023 - Ảnh 6.

Các sản phẩm làm từ tre, nứa dồn đạt chuẩn OCOP 3-4 sao của HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên (ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba) chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản... Ảnh: Hoan Nguyễn

Huyện Thanh Ba cũng là một trong 2 huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà văn hoá khu dân cư giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thiện thiết chế nhà văn hoá khu dân cư, đảm bảo các hoạt động văn hoá, thể thao, cộng đồng lành mạnh, bổ ích, thiết thực với tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng. Trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hoá đầu tư xây mới, 50 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hoá cải tạo, sửa chữa.

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm được quan tâm, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 45,5 triệu đồng/người, giá trị sản phẩm bình quân/1 ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 110 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,77%, hộ cận nghèo còn 4,35%...

"Xây dựng NTM không có điểm kết thúc"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba nhấn mạnh: "Chặng đường hơn 10 năm xây dựng NTM của Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện luôn xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tiếp tục nỗ lực không ngừng để ngày càng hoàn thiện hơn, nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, phấn đấu trong quý I năm 2023 hoàn thiện hồ sơ, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem