Vụ bắt nhóm đối tượng buôn bán gần 2,5 tạ pháo lậu ở Nghệ An dưới góc nhìn pháp lý

Phi Long Thứ năm, ngày 31/10/2024 10:27 AM (GMT+7)
Theo luật sư, pháp luật cấm cá nhân, tổ chức nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. Người không được giao nhiệm vụ cố tình buôn bán, vận chuyển pháo lậu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Triệt phá đường dây buôn bán pháo lậu

Ngày 29/10, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An một đường dây buôn bán pháo lậu liên tỉnh với gần 2,5 tạ pháo lậu vừa được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triệt xóa, bước đầu bắt giữ 4 đối tượng.

Qua công tác nắm tình hình, đầu tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện một nhóm đối tượng có hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm với số lượng lớn từ tỉnh Quảng Trị về tỉnh Nghệ An và các địa bàn ngoại tỉnh để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nhóm đối tượng này hoạt động với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, manh động, sử dụng mạng xã hội để thay đổi phương thức liên lạc, thường xuyên thay đổi phương tiện, địa điểm giao hàng khiến quá trình đấu tranh của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận định đây là vụ án phức tạp với sự tham gia của nhiều đối tượng, hoạt động liên tỉnh để vận chuyển, mua bán pháo lậu với số lượng rất lớn, Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định Lê Văn Hoài (SN 1991), trú xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Hoàng Đình Minh (SN 1977), trú xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là 2 đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán pháo nổ liên tỉnh nói trên.

Pháo hoa nổ sau khi được các đối tượng mua ở khu vực biên giới sẽ được Lê Văn Hoài và Hoàng Đình Minh thuê Nguyễn Đức Phú (SN 1990), trú xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vận chuyển, cung cấp tới các đầu mối ở trong và ngoài tỉnh.

Tại Nghệ An, đối tượng Phan Văn Lương (SN 1982), trú xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là đầu mối trực tiếp giao dịch, mua bán pháo từ Hoài và Minh, sau đó mang đi tiêu thụ tại địa bàn tỉnh Nghệ An.

img

Các đối tượng buôn bán pháo lậu tại cơ quan công an. Ảnh CA.

Sau quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 26/10/2024, tại tuyến Quốc lộ 48 thuộc xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT) tổ chức đón lõng các đối tượng khi đang vận chuyển pháo.

Tại đây, cơ quan chức năng bắt giữ Hoàng Đình Minh khi đối tượng này đang vận chuyển số lượng lớn pháo từ Quảng Trị ra giao dịch với Phan Văn Lương tại địa bàn tỉnh Nghệ An; tang vật thu giữ gần 1 tạ pháo nổ.

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phan Văn Lương, Hoàng Đình Minh và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Văn Hoài; thu giữ gần 1,5 tạ pháo nổ.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ ngày 17 - 26/10/2024), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triệt phá thành công 2 đường dây mua bán, tàng trữ gần nửa tấn pháo nổ, bắt giữ 12 đối tượng.

img

Các đối tượng cùng tang vật thu giữ được. Ảnh CA.

Người buôn bán pháo lậu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định, việc mua bán pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm hay theo điểm g khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với pháo như sau: 

Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này; 

Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Như vậy, theo luật sư Sơn, các cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và không được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ mà mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo là hành vi vi phạm pháp luật.

Về xử phạt hành chính, Khoản 4, khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP  quy định, người vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể sẽ bị hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính.

Về xử lý trách nhiệm hình sự, hành vi buôn bán hàng cấm căn cứ Điều 190 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 sẽ bị phạt tù với mức khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất 15 năm tù.

Người có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật hình sư 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 10 năm tù.

Luật sư Hoàng Anh Sơn khuyến cáo, thông thường thời điểm gần Tết, tình trạng nhập lậu, mua bán trái phép pháo nổ xảy ra nhiều hơn. Người dân chỉ nên mua pháo, sử dụng ở những nơi được Nhà Nước cho phép, đồng thời nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật về sử dụng pháo nhằm tránh vi phạm pháp luật, cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, người xung quanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem