Sản lượng đạt gần 1,5 triệu tấn
Theo ông Hoàng Đình Yên - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS), vụ cá Nam năm nay, tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.445,8 nghìn tấn, bằng 101,3% so với kế hoạch và bằng 106,5% so với vụ cá Nam năm ngoái. Trong đó, tổng sản lượng hải sản đạt 1.420,4 nghìn tấn và khai thác nội địa đạt 50,5 nghìn tấn.
"Mùa cá Nam bội thu đã góp phần đưa tổng sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 1.973 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch năm"- ông Yên nhấn mạnh.
|
Vụ cá Nam 2011, nhiều ngư trường bội thu (ảnh chụp tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận). |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính từ tháng 4 đến tháng 9, xuất khẩu hải sản từ nguyên liệu khai thác của VN đến 150 quốc gia, vùng lãnh thổ với sản lượng đạt 266.649 tấn, kim nghạch tương đương khoảng 1,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tăng 4,8% và giá trị tăng 8,07%.
Ở vụ cá Nam, do thời tiết thuận lợi nên ở hầu hết các ngư trường xuất hiện nhiều loài cá nổi có giá trị kinh tế cao kim ngạch xuất khẩu lớn. Tại ngư trường vịnh Bắc Bộ, ở vụ này, nhiều loài cá như cá nục, cá ngừ, cá bạc má… xuất hiện nhiều, liên tục từ tháng 5 đến tháng 7. Sản lượng đánh bắt trung bình đạt 15-17 tấn/tàu/ngày.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, kế hoạch khai thác thuỷ sản ở vụ cá Bắc năm 2011-2012 tới, dự kiến đạt tổng sản lượng 1.120 nghìn tấn, trong đó khai thác hải sản là 1.070 nghìn tấn và khai thác nội địa là 50 nghìn tấn.
Tại Hà Tĩnh có tàu vây khai thác sản lượng đạt 40 tấn cá/tàu/đêm, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng. Ở ngư trường các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, cá nục xuất hiện nhiều tại đảo Lý Sơn, cá cơm xuất hiện dày tại Bình Thuận, Ninh Thuận, còn tại Khánh Hoà cũng xuất hiện nhiều cá ngừ, cá hố, mực nang…
Theo Chi Cục KTBVNLTS Đà Nẵng, nghề vây ở địa phương đạt khoảng 388 triệu đồng/tàu, lợi nhuận thu được ước khoảng 15 triệu đồng/lao động. Còn ở Bình Định cá ngừ đại dương xuất hiện sớm từ tháng 8, sản lượng trung bình đạt 1,7 tấn/tàu… Ở ngư trường Đông và Tây Nam Bộ, chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu, mỗi chuyến đi biển trung bình từ 15-20 ngày, sản lượng ngư dân đánh bắt đạt khoảng 20 triệu tấn, doanh thu 200 triệu đồng/chuyến…
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, việc chỉ đạo ngư dân ra khơi theo mùa vụ bài bản hơn là một trong những nhân tố quyết định sản lượng khai thác, hiệu quả kinh tế, giúp ngư dân phấn khởi ra khơi.
Hỗ trợ mạnh ngư dân bám biển
Trong vụ cá Nam vừa qua, các địa phương đã được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã tạm ứng kinh phí thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ cho 10 tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tiền Giang, với số tiền hơn 230 tỷ đồng.
Nhiều địa phương cũng nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích ngư dân bám biển. Hiện nay UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt hỗ trợ cho 11 hồ sơ của ngư dân với số tiền 50 triệu đồng. Sở NNPTNT Phú Yên cũng đã có tờ trình UBND tỉnh hỗ trợ đợt 1 năm 2011 cho 169 tàu thuyền tương ứng hơn 4,5 tỷ đồng…
Riêng việc trang bị trạm bờ cho các địa phương, ông Nguyễn Ngọc Oai - Cục trưởng Cục KTBVNLTS cho biết: Tại Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy sản vừa tổ chức tham quan trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh để các địa phương học tập kinh nghiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho ngư dân. Được biết, hiện các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi, Ninh Thuận đang tiến hành lắp đặt trạm bờ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việc trang bị trạm bờ ở các địa phương là một trong những bước đi quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 việc khai thác thủy sản đạt được hiệu quả cao hơn, bền vững hơn và hiện đại hơn.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.