Vụ hàng chục nghìn điện thoại bị nghe lén:Vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư

Thắng Quang (tổng hợp) Thứ ba, ngày 24/06/2014 07:24 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của luật sư Trương Anh Tú về việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tạo ra và kinh doanh phần mềm Ptracker được dùng để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin…
Bình luận 0

Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén

Theo kết luận của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Công ty Việt Hồng được thành lập năm 2010, đăng ký kinh doanh các ngành nghề: Lập trình máy tính, sản xuất phần mềm máy tính, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan tới máy tính.

Dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do đơn vị này đang kinh doanh chính là việc tạo ra, cung cấp, cài đặt, duy trì để khai thác 2 phần mềm cài đặt trên máy điện thoại là Ptracker (dành cho khách hàng cá nhân và PtrackerERP (dành cho khách hàng doanh nghiệp).

Đối với phần mềm Ptracker, sản phẩm cuối cùng mà khách hàng nhận được là thông tin riêng của người sử dụng điện thoại- âm thanh, hình ảnh, video, số liệu định vị, số điện thoại gọi đi/đến, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, thông tin về các trang web điện thoại đã truy cập.

Trong khi đó, phần mềm PtrackerERP ngoài việc theo dõi vị trí, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi và các trang web đã truy cập của nhân viên (doanh nghiệp), PtrackerERP còn có chức năng trao đổi thông tin, phục vụ nhiệm vụ báo cáo của nhân viên với người quản lý.

Các phần mềm này được sử dụng trên thiết bị chạy hệ điều hành Android. Nếu khách hàng có nhu cầu, có thể vào tải về tại trang web của công ty, nhắn tin để nhận đường link, hoặc nhân viên công ty trực tiếp cài trên máy. Thời gian cài đặt Ptracker khoảng 3-5 phút, phụ thuộc tốc độ đường truyền Internet.

Thông qua việc điều khiển từ xa, khách hàng có thể điều khiển các tính năng của máy điện thoại bị cài đặt như ghi âm xung quanh, ghi âm cuộc gọi, nghe trực tiếp âm thanh xung quanh máy điện thoại, chụp ảnh, quay video, sao lưu lịch sử cuộc gọi, sao lưu lịch sử nội dung SMS, danh bạ…

Tại thời điểm kiểm tra, số lượng khách hàng đang sử dụng phần mềm là 670; số lượng tài khoản từng cài Ptracker là 14.140, trong đó số lượng tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng điện thoại là 7.447 tài khoản (dữ liệu còn lưu tại máy chủ của Việt Hồng). Xác minh của thanh tra, từ tháng 9.2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng.

Vi phạm hàng loạt quy định

Liên quan đến vụ việc này, kết luận của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nêu rõ, việc Công ty Việt Hồng tạo ra, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ đã vi phạm khoản 2 Điều 71 Luật Công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng Ptracker của Việt Hồng cũng vi phạm khoản 4 Điều 71, Luật Công nghệ thông tin; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm khoản 5 Điều 71 Luật Công nghệ thông tin; hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm Điểm đ, khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ thông tin.

Hoạt động công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, tinh vi và phức tạp trong khi các quy định của pháp luật chưa bắt kịp để điều chỉnh thích hợp. Theo luật sư Trương Anh Tú, kẽ hở lớn nhất của pháp luật về vấn đề này là cơ chế, quản lý giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin không được quy định cụ thể. Các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này đang còn hạn chế dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng để thu lợi bất chính, các chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc và quyết liệt.
Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội) cho rằng, việc làm trên của doanh nghiệp đã vi phạm Bộ luật Dân sự. Việc doanh nghiệp tự ý sử dụng phần mềm theo dõi điện thoại để thống kê, ghi âm cuộc gọi, sao lưu tin nhắn, hình ảnh, video… để theo dõi là xâm phạm trực tiếp đến đời sống riêng tư của người khác, vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư (quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín) của cá nhân được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem