Vụ Hoài Linh "ngâm" tiền từ thiện: Đừng mang nhân dân làm con tin
Vụ Hoài Linh "ngâm" hơn 13 tỷ tiền từ thiện: "Đừng mang nhân dân bão lụt ra làm con tin!"
Yến Linh
Thứ năm, ngày 27/05/2021 15:58 PM (GMT+7)
"Làm từ thiện không chỉ dựa trên cái tâm là được, bạn phải dấn thân và hy sinh nữa. Còn nếu thấy không đủ khả năng, đừng làm!" – chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định với Dân Việt.
Vụ việc NSƯT Hoài Linh "ngâm" hơn 13 tỉ đồng tiền ủng hộ cho hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt cuối năm 2020 đang trở thành tâm điểm trong dư luận. Ngay sau Hoài Linh, hoạt động từ thiện của Trấn Thành cũng bị cộng đồng mạng đặt ra nhiều dấu hỏi về sự minh bạch.
Tại sao chủ đề này lại gây ra "cơn địa chấn" lớn tới như vậy? Và người nghệ sĩ nên làm gì để lấy lại niềm tin từ phía khán giả?
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông nổi tiếng Nguyễn Ngọc Long để rộng đường dư luận.
Thưa chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, gần đây, sự việc nghệ sĩ Hoài Linh thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện đã gây ra bất bình lớn trong cộng đồng, kéo theo sự nghi vấn đối với hoạt động từ thiện của loạt nghệ sĩ khác. Theo anh, tại sao sự việc này tạo nên "cơn địa chấn" lớn tới như vậy?
- Có 3 lý do cho sự việc này. Lý do thứ nhất, Hoài Linh là nghệ sĩ lớn bậc nhất showbiz Việt. Số người biết đến anh rất nhiều, đương nhiên có người thích, kẻ ghét. Nhưng tổng hợp lại thì thông tin về Hoài Linh sẽ được vô số người quan tâm.
Lý do thứ 2 là bởi Hoài Linh trước đó đã dính lùm xùm trong sự việc liên quan tới doanh nhân Võ Hoàng Yên và doanh nhân Nguyễn Phương Hằng. Công chúng đang tò mò theo dõi những diễn biến của vụ việc này, dẫn tới họ tiếp tục quan tâm tới vấn đề khác xung quanh Hoài Linh.
Lý do thứ 3 rất quan trọng, câu chuyện của Hoài Linh liên quan tới một số tiền quá lớn - 14 tỷ đồng. Đây là số tiền mà đại đa số của người dân nghe tới đều phải giật mình và ngã ngửa.
Trên trang cá nhân, anh cho rằng, Hoài Linh xảo ngôn và bao biện khi dùng lý do dịch bệnh để trì hoãn hoạt động từ thiện cũng như không minh bạch trong việc công khai tài chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nghệ sĩ đôi khi làm việc theo cảm hứng, họ không lường trước được hậu quả. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?.
Làm việc theo cảm hứng là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thôi, còn quanh co, bao biện lại là cách họ ứng xử khi gây ra khủng hoảng mà họ đang đối mặt. Hai điều này không hề liên quan tới nhau.
Cũng phải nói thêm rằng, nghệ sĩ càng không được mang cái "cảm hứng" ra giải thích với khán giả, thế sẽ lại càng dễ dàng nhận "gạch đá". Nếu bạn sống cảm hứng, được thôi, nhưng bạn không được làm việc theo cảm hứng. Phải luôn chuyên nghiệp, hãy nhớ như thế!
Theo anh, đâu là những yếu tố cần thiết nhất khi một ngôi sao bắt tay vào hoạt động từ thiện?
- Tôi cho rằng đa phần nghệ sĩ đều nhạy cảm, họ dễ rung động và rủ lòng thương với mọi người. Chính bởi nguyên nhân đó nên khi có những câu chuyện thương tâm xảy ra, rất nhiều người trong số họ sẽ nghĩ tới chuyện làm từ thiện.
Thế nhưng, làm từ thiện không chỉ dựa trên cái tâm được, phải dấn thân và hy sinh nữa.Nhiều người làm từ thiện theo kiểu ngồi ghế salon quăng tiền ra cũng vẫn bị công chúng bất bình, phê phán.
Hãy nhìn Thủy Tiên, cô ấy đến tận nơi với bà con vùng lũ, xả thân, xốc vác, nhiệt tình. Đó là cái cần khi làm từ thiện mà không phải ai cũng làm được.
Thứ 3 là kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm. Làm bác sĩ phải học, làm kỹ sư phải học, làm từ thiện càng phải học. Ai cũng một ngày đẹp trời tỉnh dậy xông ra đường làm từ thiện, đâu có được. Hãy cứ học làm thế nào đi đã.
Ngay sau khi Hoài Linh khiến công chúng thất vọng vì "ngâm" khoản tiền từ thiện lên tới gần 14 tỷ đồng, nghệ sĩ Trấn Thành lại vướng vào rắc rối khi công chúng phát hiện ra anh không hề chuyển khoản số tiền 4,7 tỷ đồng cho nữ ca sĩ Thủy Tiên trong đợt từ thiện miền Trung như đã thông báo trước đó. Tối qua, Trấn Thành đã đưa ra thông báo chính thức về sự việc này. Theo anh, lời giải thích của Trấn Thành có thỏa đáng hay không?
- Ai dễ tính thấy thỏa đáng. Ai khó tính sẽ cho rằng anh ta không làm đúng với cam kết ban đầu. Thế nhưng ít nhất, Trấn Thành cũng cho thấy anh ta không ăn chặn, không "ngâm" tiền từ thiện. Cái tâm của anh ấy sẽ được cộng đồng ghi nhận. Còn về chuyên môn, quy trình làm từ thiện cho chuyên nghiệp hơn, tôi tin, sau lùm xùm này anh ấy sẽ có bài học riêng cho mình.
Là một chuyên gia truyền thông và có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng, theo anh, lúc này các nghệ sĩ nên làm gì để lấy lại niềm tin từ phía khán giả?
- Dễ lắm bạn ạ. Mình vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Ai mà tâm chưa tốt hãy thể hiện mình có tâm tốt hơn. Ai chưa dấn thân thì hãy dấn thân nhiều hơn. Và điều quan trọng nhất, hãy học hỏi nghiêm túc để làm từ thiện một cách chuyên nghiệp.
Theo anh, có nên khuyến khích việc công chúng đặt niềm tin vào các nghệ sĩ trong hoạt động từ thiện, vì cộng đồng?
- Công chúng nên đặt niềm tin vào nhiều người, nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng nghệ sĩ, nhưng chỉ nên đặt đúng chỗ, dựa trên sự phân tích logic chứ không phải theo cảm tính. Thí dụ, bạn chỉ nên tin cô ca sĩ A khi cô ấy làm từ thiện minh bạch, có sao kê, có hình ảnh, có chiến lược rõ ràng. Đừng bao giờ nói "vì cô ấy nổi tiếng, vì cô ấy nhiều tiền nên tôi tin cô ấy".
Xã hội đang bị khủng hoảng niềm tin, bởi vậy chúng ta không nên đánh mất điều quý giá này. Quan trọng là đặt niềm tin đúng lúc đúng chỗ. Tất cả sự việc vừa qua cho chúng ta một bài học là: Sống lý trí, đừng sống theo cảm xúc. Cảm xúc quá sẽ có ngày hối hận.
Anh đánh giá thế nào về hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ nói chung từ trước tới nay?
- Đa phần các nghệ sĩ Việt Nam đều làm từ thiện tự phát và chưa chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn có một số ít nghệ sĩ kết hợp với các quỹ từ thiện để hoạt động và họ làm rất bài bản. Thí dụ như Chi Bảo với chương trình "Hiểu về trái tim", Ngô Thanh Vân với "Nhịp tim Việt Nam"… Họ giải trình minh bạch, tạo được hiệu ứng tốt và bạn thấy đấy, có ai nói năng gì họ đâu.
Có ý kiến cũng lo ngại rằng, sự phẫn nộ của công chúng gần đây khiến các nghệ sĩ sẽ e dè trong hoạt động từ thiện và cuối cùng người chịu thiệt lại là những người thiệt thòi. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi không có quan điểm như vậy. Thứ nhất, việc "hỏi thăm" xem số tiền mình đã đóng góp đang ở nơi nào là yêu cầu chính đáng. Nó hoàn toàn không phải công kích cá nhân.
Thứ hai, người này không làm sẽ có người khác làm. Nếu không phải là Phan Anh sẽ có Thủy Tiên. Nếu không phải Hoài Linh thì sẽ có nhiều người khác.
Thứ ba, có nhiều người họ làm từ thiện âm thầm không đánh trống khua chiêng theo đúng tinh thần bố thí, đừng sợ xã hội hết người có tấm lòng từ bi hỷ xả.
Thứ tư, nói thẳng ra thì công tác cứu trợ, an sinh xã hội bao gồm nhiều hoạt động "trên sân khấu" và cả những hoạt động âm thầm "sau ánh hào quang". Mà phần chìm ấy, nhà nước và nhiều ban ngành đoàn thể khác vẫn vừa làm vừa nghe chửi bới nhiếc móc bao năm nay rồi.
Thế nên, mọi người cũng đừng lo ai đó hờn dỗi không làm từ thiện thì nhân dân đói khát. Chúng ta làm việc thiện, trước hết là để thỏa mãn cái suy nghĩ rằng chúng ta là người tốt. Sau nữa là tên tuổi chúng ta có lợi hơn, đẹp đẽ hơn, lan tỏa hơn.
Nhân dân bão lụt đã khổ lắm rồi, đừng mang họ ra làm con tin cho những điều chưa hoàn thiện của chính chúng ta.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Tin cùng chủ đề: Hoài Linh chậm trễ trao hơn 14 tỷ đồng từ thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.