Vụ ly hôn nghìn tỷ: Hòa giải để hàn gắn, không phải để vận động giao tài sản

Anh Thư - Nguyễn Chương Thứ hai, ngày 17/06/2019 07:01 AM (GMT+7)
Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao 3 đã nhấn mạnh như vậy khi nói về vụ ly hôn nghìn tỷ của “vua” cà phê Trung Nguyên. “Phán quyết của Tòa sơ thẩm như vậy là chưa tâm phục khẩu phục. Tôi chưa từng thấy một thẩm phán nào lại khuyên người vợ giao tất cả tài sản, doanh nghiệp cho chồng, về xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng”, ông Thêm nhận xét.
Bình luận 0

Sau phiên Tòa sơ thẩm dân sự giải quyết vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cả 2 người đều kháng cáo. Đặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị chỉ ra tới 11 điểm sai trong quá trình tố tụng và xét xử của phiên sơ thẩm. Để làm rõ hơn các góc độ pháp lý xung quanh vụ án này, phóng viên báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao 3 tại TP.HCM -  người có hơn 41 năm gắn bó với ngành kiểm sát (20 năm là Kiểm sát viên cao cấp) và từng phụ trách mảng án dân sự, hôn nhân và gia đình tại VKS Cấp cao 3.

Thưa ông, khi giải quyết một bản án ly hôn, thường cơ quan tiến hành xét xử sẽ dựa vào những căn cứ nào và việc áp dụng trong thực tiễn xét xử như thế nào?

-  Trong đời sống vợ chồng vì những lý do nào đó dẫn tới đời sống vợ chồng có mâu thuẫn sâu sắc không thể hàn gắn, ly hôn là một sự kiện pháp lý theo pháp luật quy định và là một giải pháp giải quyết sự khủng hoảng trong mối quan hệ vợ chồng. Ly hôn là sự bình thường tự do theo luật nếu như kết hôn là sự tự nguyện, tự do xác lập quan hệ vợ chồng sau khi đăng ký theo như pháp luật quy định.

Khi xem xét giải quyết một bản án ly hôn, thường những người tiến hành xét xử sẽ dựa vào 3 yếu tố: yếu tố quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái, vấn đề tài sản. Và khi giải quyết ly hôn toà án cũng phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân và bản chất của quan hệ vợ chồng và thực trạng hôn nhân với các yếu tố khác để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên cũng như cho các thành viên trong gia đình, lợi ích của nhà nước, xã hội và bảo đảm trật tự công cộng.

img

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo bật khóc sau phiên toà và cho rằng "phán quyết thật bất công với mẹ con tôi". 

Vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên kéo dài nhiều năm nay. Ngay sau phiên toà, người ta nhìn thấy một bên là nụ cười của người chồng như thắng cuộc, một bên giọt nước mắt cay đắng của người đàn bà sau phán quyết của toà án. Nhưng sau đó cả 2 đều kháng cáo bản án. Là người có nhiều năm kinh nghiệm, từng phụ trách mảng án dân sự, hôn nhân và gia đình tại VKS Cấp cao 3, ông đánh giá về vụ việc này như thế nào?

-  Trong quan hệ hôn nhân, ly hôn là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt các nghĩa vụ và quyền của vợ và chồng theo quy định của pháp luật. Để ly hôn, vợ hoặc chồng hoặc cả hai người hoàn toàn tự do trong việc làm đơn yêu cầu toà án giải quyết ly hôn. Thường khi giải quyết một cuộc ly hôn do đời sống hôn nhân vợ chồng không thể kéo dài, tình cảm vợ chồng sứt mẻ, thì việc đầu tiên cơ quan tiến hành tố tụng bao giờ cũng sẽ hoà giải để với hy vọng họ sẽ đoàn tụ. Chính quá trình hoà giải đó là một cách hàn gắn. Xưa nay rất nhiều trường hợp sau thời gian tiến hành hoà giải, hai vợ chồng đã trở lại với nhau, hàn gắn lại được.

Qua theo dõi trên truyền thông truyền tải lại ở phiên toà, thấy rằng lý do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đưa ra khi ly hôn là cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thay đổi tính cách, có dấu hiệu của bệnh lý.

Cũng phải nhìn lại là động cơ ly hôn của bà Thảo không rõ ràng, mâu thuẫn vợ chồng đến mức trầm trọng chưa rõ nét, tâm lý quyết định ly hôn không ổn định. Khi xem xét giải quyết kháng cáo của các bên ở phiên tòa Phúc thẩm sẽ còn tiếp tục hòa giải.

Về quan hệ con cái. Xét trong trường hợp này, những đứa con chỉ được hưởng về mặt vật chất, có thể chúng được nuôi dưỡng đầy đủ nhưng về tinh thần, ít nhiều sẽ bị tổn thương, nhất là những đứa trẻ dưới 18 tuổi. Chúng sẽ tổn thương khi thấy cha mẹ không thể hàn gắn, đoàn tụ lại với nhau. Việc ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng khi quyết định ly hôn, các bên cần phải cân nhắc kỹ vì lợi ích của các con trẻ chưa thành niên.

Vể vấn đề tài sản. Trong trường hợp của Trung Nguyên, khi hai vợ chồng hợp sức thì nó phát triển ngày càng lớn hơn. Ban đầu nó có thể là một nhãn hiệu, nhưng do sự cộng hưởng của đôi bên, tức là hai vợ chồng cùng chí hướng, phát triển về quy mô, về chiều sâu, chất lượng để phát triển nên thành thương hiệu. Rõ ràng thương hiệu này là một giá trị vô hình, không thể ước lượng được bằng tiền. Cũng như uy tín, làm sao quy nó về giá trị được tuyệt đối. Do đó, nếu có ly hôn, các bên cần phải cần nhắc vì lợi ích lớn của thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên”, vì lợi ích của công ty, tránh tổn thương đến thương hiệu vốn có.

Về nguyên tắc khi xử ly hôn là tài sản chia đôi nhưng có tính đến yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Trong vụ này, cả hai bên đều tranh nhau quyền điều hành.

Theo tôi nghĩ khi xem xét về vấn đề quyền điều hành thì nên phân tách ra khỏi mối quan hệ này. Vì tài sản là của công ty được điều chỉnh bằng pháp luật về kinh tế và giải quyết theo pháp luật tố tụng tranh chấp về kinh tế. Tóm lại, tài sản nào thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì chia theo pháp luật quy định.

img

Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao 3. Ảnh: Nguyễn Chương

Nhìn lại quá trình xét xử vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, VKSND TP.HCM đã có bản kháng nghị dài 14 trang phân tích nhiều sai sót của HĐXX trong quá trình tố tụng. Trong đó, tòa bị cho là không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Từ đó VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm. Ông đánh giá như thế nào về bản kháng nghị này?

- Theo tôi kháng nghị của VKSND TP.HCM đưa ra 11 điểm đều đúng vì vừa kháng nghị về mặt vi phạm pháp luật tố tụng vừa kháng nghị về mặt đường lối giải quyết. 

Ví dụ như tại phiên toà, những người tham gia tố tụng phát biểu tại phiên toà, có nghĩa là về mặt lý họ công khai hoá những nhận thức của mình bằng pháp luật. Cái thứ 2 là đương sự trình bày những bằng chứng, chứng cứ thì toà án có nhiệm vụ kiểm tra, ghi nhận và toà được quyền đánh giá khi nghị án, nhưng phải được ghi nhận trong bản án. Tuy nhiên ở đây, ý kiến của VKS là một trong những cơ quan tố tụng phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án trong quá trình xét xử, để bổ trợ cho Hội đồng xét xử trong phán xét nhưng đã không được ghi nhận đầy đủ trong bản án là thiếu sót đáng tiếc.

Về phản tố của bị đơn là một trong các quyền pháp luật quy định và được Tòa án thụ lý theo đúng thủ tục tố tụng mới được coi là hợp pháp. Và khi xem xét yêu cầu phản tố thì địa vị pháp lý được thay đổi, từ bị đơn trở thành nguyên đơn. Nói cách khác, trong vụ kiện dân sự, nếu có yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập thì thuộc trường hợp xét xử kép trong một vụ án. Nếu không tuân thủ pháp luật tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố là vi phạm pháp luật nên Viện kiểm sát yêu cầu kháng nghị là đúng.

img

Sau phiên xử ly hôn, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều kháng cáo. Ảnh: VNF

Một điểm sai nữa là trong bản án ghi về thời gian cấp dưỡng. Bản án tuyên thời gian cấp dưỡng tính từ năm 2013 đến khi các cháu trưởng thành, lao động và tự lập. Thời gian cấp dưỡng không thể ghi chung chung như vậy, mà phải ghi rõ từ thời điểm nào tới thời điểm nào, đối với từng người. 

Về tài sản, với tài sản lớn như vậy thì phải cần một cơ quan chuyên môn thẩm định, thậm chí nếu quá lớn thì phải kiểm toán... Còn rất nhiều những sai sót mà tôi thấy VKSND TP.HCM đã chỉ ra rất đúng. 

Vậy theo ông, đâu là sai sót nghiêm trọng nhất?

- Cái nào cũng nghiêm trọng cả. Ví dụ như chia cổ phiếu của công ty hoặc phán quyết quyền điều hành của công ty trong cùng một vụ án xin ly hôn là không đúng pháp luật. Vì hoạt động của công ty, tài sản của công ty phải giải quyết theo quy định của pháp luật với doanh nghiệp.

Với 11 điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đều có cơ sở xem xét. Còn việc hủy một phần hoặc toàn bộ vụ án, tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa phúc thẩm. Biết đâu họ rút hết các yêu cầu kháng cáo, rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố thì vụ án trở về con số không. Được như vậy thì vợ chồng họ lại đoàn tụ sẽ hạnh phúc biết nhường nào.

Theo tôi nghĩ khi xem xét về vấn đề quyền điều hành thì nên phân tách ra khỏi mối quan hệ này. Vì tài sản là của công ty được điều chỉnh bằng pháp luật về kinh tế và giải quyết theo pháp luật tố tụng tranh chấp về kinh tế. Tóm lại, tài sản nào thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì chia theo pháp luật quy định.

Ông Võ Văn Thêm

(Xem tiếp phần 2: Vụ ly hôn nghìn tỷ: Xét xử ly hôn lại phán quyết cả tài chính doanh nghiệp)


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem