Vụ “ngang nhiên bán hồ thủy lợi”: Nguy cơ xung đột lợi ích

Thứ sáu, ngày 23/11/2012 09:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An (huyện Krông Păk, Đăk Lăk) bán 10 hồ đập cho một số người sử dụng vào mục đích cá nhân, ngày 22.11, phóng viên NTNN đã trở lại xã Ea Yông (nơi bị bán hết hồ đập) và được nghe dân “tố khổ”.
Bình luận 0

Mất mùa liên tục

Bà Dương Thị Lựu (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông) than vãn: “Nhà có 3 sào cà phê, trước mỗi mùa thu hơn trăm bao, giờ chỉ còn phân nửa. Kể từ khi hồ Phước Hà bị bán, năm nào cũng bị mất mùa thế. Mấy năm nay, mỗi mùa khô cà phê gia đình bà chỉ tưới được 2 đợt là đứt nước, chủ mới của hồ Phước Hà không cho tưới nữa. Cà phê đang lúc cho quả non, thiếu nước rụng hết”.

img
Do không được quản lý đúng quy trình nên rất nhiều hồ đập sau khi bị bán đã bị xuống cấp.

Ông Phạm Văn Hoàng - Trưởng thôn Phước Hòa, khẳng định, không riêng gì bà Lựu mà năng suất cà phê của hầu hết người dân trong thôn đều bị giảm rất nhiều. Mặc dù, khi hết nước tưới, dân đã khắc phục bằng cách đào giếng lấy nước nhưng không hiệu quả, chủ yếu chỉ để cho cây khỏi chết.

Không riêng bà Lựu, ông Hoàng, mà hầu hết dân trong thôn đều khẳng định với chúng tôi, cà phê của họ mất mùa liên tục kể từ khi hồ Phước Hà bị bán cho tư nhân nuôi cá. Từ khi bị bán, mực nước hồ này thấp hơn rất nhiều, chỉ sau 2 đợt tưới là cạn. Mặc dù mới bước vào mùa khô nhưng ngoài hồ của ông Hồ Phước Đồng (thôn Phước Hòa) tất cả các hồ khác trên địa bàn xã Ea Yông, mực nước đều rất thấp. Đặc biệt tại hồ Phước Hà, ông Hoàng cho biết mực nước đã thấp hơn một nửa so với bình thường.

Tiềm ẩn điều tồi tệ

Theo báo cáo mới đây của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, việc sang nhượng các hồ đập này không chỉ tác động đến đời sống, sản xuất của nông dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến an toàn hồ đập. Nguyên nhân của tình trạng này là hầu hết người dân đều không có trình độ chuyên môn về quản lý hồ đập. Ông Hồ Phước Đồng, cho biết chỉ quản lý hồ theo kinh nghiệm do trước đây từng… thuê hồ nuôi cá và được cắt cử việc trông coi hồ. Cũng như ông Đồng, ông La Thanh Hà, ở thôn Thạch Lũ, dù không biết quản lý hồ, đập sao cho an toàn, nhưng khi mua được hồ, ông Hà vẫn đào cống, khơi mương… Hồ của ông Hà nằm dưới 4 hồ lớn khác, nên nếu phía trên xả nước thì hồ của ông hứng trọn.

Ngày 22.11, ông Đàm Hòa Bình - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi – Bộ NNPTNT) đã cùng đoàn công tác kiểm tra việc Công ty Phước An sang nhượng hồ, đập thủy lợi cho các cá nhân nuôi cá. Theo đó, ông Bình khẳng định, việc Công ty Phước An sang nhượng các hồ, đập thủy lợi cho cá nhân nuôi cá để thu tiền là trái với các quy định của Nhà nước, nên đã yêu cầu công ty phải hủy các hợp đồng sang nhượng, trả lại tiền cho người mua; đồng thời bàn giao lại hồ đập thủy lợi cho địa phương quản lý.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng- Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đăk Lăk- việc Công ty Phước An bán hồ thủy lợi là một việc rất nghiêm trọng. Bởi nó sẽ tác động rất lớn đến an sinh xã hội do việc quản lý hồ, đập không đúng quy trình. Hơn nữa, việc trao quyền sử dụng một công trình phúc lợi cho một cá nhân chắc chắn sẽ dẫn đến những xung đột về lợi ích và nếu xung đột trở nên căng thẳng chưa biết điều tồi tệ gì sẽ xảy ra.

Dù vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ người dân mà một số cán bộ cũng tham gia mua hồ. Hơn nữa, theo trưởng thôn Phước Hòa, việc mua bán hồ này thực chất đã được báo cáo lên xã rất nhiều lần song không được giải quyết. Ngày 22.11, ông Y Núc Byă - chủ tịch xã Ea Yông, xác nhận với chúng tôi sự việc trên xã đã biết từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, do người dân không có đơn, xã cũng không có thẩm quyền can thiệp vào việc riêng của Công ty Cà phê Phước An nên không thể giải quyết. Ông Y Núc Byă cũng cho biết, việc này xã cũng đã có phản ánh với huyện trong các cuộc họp giao ban.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem