Ngày 19.3, Viện KSND TP.Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng vụ án nghe lén hơn 14.000 điện thoại và chuyển toàn bộ hồ sơ sang TAND thành phố để xét xử theo quy định.
7 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Việt Hùng (41 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng); Lê Thanh Lâm (33 tuổi, cùng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội); Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội); Lê Sĩ Phán (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nguyễn Ngọc Kiều (29 tuổi); Trần Minh Ngọc (25 tuổi, cùng ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Nguyễn Thị Nga (25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo truy tố, Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (có trụ sở tại số 110 Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) kinh doanh thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân có nhu cầu định vị, xác định vị trí của nhân viên, xe ôtô.
Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả nên Nguyễn Việt Hùng đã nảy sinh ý định viết phần mềm cài đặt vào máy điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android thay thế các thiết bị giám sát.
Lực lượng chức năng TP.Hà Nội kiểm tra tại Công ty Việt Hồng.
Từ tháng 6.2013, Hùng đã liên hệ với kỹ sư lập trình Lê Thanh Lâm để thuê viết phần mềm Ptracker (phần mềm nghe lén).
Ngoài ra, Hùng còn thuê Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Phán, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga và Trần Minh Ngọc làm nhân viên phục vụ chương trình phát triển phần mềm.
Tháng 9.2013, sau khi viết xong phần mềm, Lâm được nhận vào làm việc chính thức tại công ty với mức lương rất cao. Từ tháng 10.2013, Hùng tiếp tục chỉ đạo Lâm phát triển chức năng ghi âm xung quanh, lấy danh bạ điện thoại, quay phim, chụp ảnh, lấy lịch sử duyệt website từ điện thoại bị giám sát.
Hùng giao cho Trần Minh Ngọc có nhiệm vụ làm video, bài viết hướng dẫn tải, cài đặt ứng dụng Ptracker. Lê Sĩ Phán thiết kế đồ họa, Nguyễn Ngọc Kiều và Nguyễn Văn Tuấn phụ giúp Lâm làm kỹ thuật. Hùng thuê Nguyễn Thị Nga trực nghe điện thoại khi có người sử dụng phần mềm Ptracker gọi đến để hướng dẫn cách cài đặt sử dụng, trực tiếp thu tiền và rút tiền từ các tài khoản ở ngân hàng về cho công ty.
Nhóm trên đã cho đăng tải, quảng cáo các thông tin dịch vụ gói sản phẩm này trên một số trạng mạng xã hội và lập một số website để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm đến người có nhu cầu sử dụng và trực tiếp cài đặt máy cho người sử dụng.
Bằng cách làm này, đã có tổng số 14.140 tài khoản từng bị cài phần mềm giám sát Ptracker mà Hùng và đồng bọn đưa lên mạng. Trong đó có 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu (dữ liệu vẫn còn trong máy chủ của Công ty Việt Hồng), 6.693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ, 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian giám sát (gói dịch vụ khách hàng mua vẫn còn thời hạn).
Theo xác minh của cơ quan công an, số tiền thu được từ dịch vụ trên là gần 1 tỷ đồng. Số tiền này Hùng khai đã sử dụng hết vào việc kinh doanh của công ty như thuê nhà, trả lương, thuê máy chủ, tiền dịch vụ quảng cáo…
Đối với ông Đặng Hồng Đăng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, cơ quan điều tra xác định chỉ kinh doanh cửa thép chống cháy, không tham gia hoạt động kinh doanh phần mềm và cũng không được chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này nên không truy cứu trách nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.