Vụ tàu hỏa tông xe đầu kéo ở Hà Nội: Có thể xử lý hình sự khi nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 04/02/2023 19:44 PM (GMT+7)
Vụ tàu hỏa Bắc - Nam va chạm với xe đầu kéo xảy ra ngày 28/1 vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. Chuyên gia pháp lý đã đưa ra quan điểm về vụ việc này.
Bình luận 0

Có thể khởi tố vụ án nếu thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên

Bước đầu qua hình ảnh trích xuất từ camera xác định có lỗi của tài xế xe đầu kéo và một phần lỗi của người trực gác.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả thiệt hại về tài sản, làm căn cứ để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không đối với người lái xe đầu kéo và cả nhân viên trực gác.

Vụ tàu hỏa tông xe đầu kéo ở Hà Nội: Có thể xử lý hình sự khi nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trong vụ việc này, tài xế ô tô đầu kéo chở sắt thép là người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nơi giao nhau với đường sắt. Theo quy định của pháp luật, người này phải chú ý quan sát và chỉ được đi qua điểm dao cắt với đường sắt khi đảm bảo điều kiện an toàn.

Tuy nhiên, tài xế đã thiếu chú ý quan sát, ngập ngừng khi điều khiển qua điểm giao nhau dẫn đến vụ tai nạn xảy ra nên nếu hậu quả vụ tai nạn khiến thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối với người lái xe.

Ông Cường cho rằng, để quyết định có khởi tố vụ án hình sự đối với tài xế hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố lỗi của người điều khiển phương tiện này và tiến hành định giá đối với thiệt hại về xe ô tô và thiệt hại về đầu tàu hỏa.

Trong trường hợp xác định hành vi của người lái xe là có lỗi và vụ tai nạn xảy ra dẫn đến thiệt hại về tài sản từ 100 triệu trở lên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự đối với tài xế.

Ngoài ra, nếu vụ tai nạn gây ra thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, không chỉ khởi tố đối với tài xế đầu kéo chở sắt thép mà còn có thể xử lý hình sự đối với nhân viên trực giác chắn theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Có lỗi của nhân viên gác chắn

Trước đó, sáng 28/1, tàu khách SE5 kéo 12 toa xe, xuất phát từ ga Hà Nội đi TP. HCM. Lúc 9h24, khi đến km 28+800 đoạn qua xã Văn Tự, huyện Thường Tín, tàu va chạm với xe đầu kéo chở sắt tại lối đi tự mở có nhân viên cảnh giới.

Theo camera ghi lại, xe đầu kéo đi vào đường ngang khi barie chưa hạ. Do xe quá dài và nặng nên tài xế không thể nhanh chóng thoát khỏi. Nhân viên gác chắn không cảnh báo cho lái tàu dừng lại trước giao cắt mà đứng tại một góc.

Hậu quả khi xe đầu kéo thoát được 2/3 thì tàu lao tới, đâm vào đuôi rơ moóc. Nữ nhân viên cảnh giới bị thương nhẹ ở chân, được đưa đi cấp cứu. Đầu máy tàu SE5 hư hỏng nặng, phải thay thế. Tàu SE5 tiếp tục hành trình lúc 12h.

Ông Phùng Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Hà Tây cho biết, theo quy trình, tại lối mở km 28+800, trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên gác chắn phải hạ barie để ngăn người và phương tiện đi vào.

Tuy nhiên, hai nhân viên trực gác chắn đã chậm hạ barie, để xe đầu kéo chở sắt đi vào lối mở. Do xe dài và nặng, tài xế không quen đường nên mất gần 2 phút không thoát ra, gây va chạm với tàu khách SE5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem