Vụ TNGT khiến nạn nhân đứt lìa chân: Viện Y học Hải quân lý giải việc không làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Hoàng Vĩnh Thứ năm, ngày 14/09/2023 07:06 AM (GMT+7)
Ngày 13/9, lãnh đạo Viện Y học Hải quân đã trao đổi với Dân Việt về nội dung thông tin Công an quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) đã yêu cầu Viện lấy máu của lái xe gây tai nạn để xét nghiệm các chất kích thích, nồng độ cồn trong máu nhưng đơn vị này không thực hiện được yêu cầu của cơ quan công an.
Bình luận 0


Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện lãnh đạo Viện Y học Hải quân cho biết, 10h30 sáng 5/9, Viện Y học Hải quân (YHHQ) nhận được Công văn số 20/CV-CAĐS của Công an quận Đồ Sơn với nội dung: Công an quận Đồ Sơn đang tiến hành thụ lý giải quyết vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 18h15 ngày 4/9/2023 tại tuyến đường Vạn Hương, khu 2, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, do Bùi Tiến Dương (sinh năm 1978, ĐKTT tại Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương) điều khiển phương tiện. Để phục vụ công tác giải quyết vụ việc tai nạn giao thông, kính đề nghị Viện Y học Hải quân cung cấp kết quả xét nghiệm máu, ma tuý để xác định nông độ cồn, ma tuý có trong máu hay không?

Sau khi nhận được văn bản nói trên, Viện Y học Hải quân đã phối hợp và có Công văn số 59/VYH-KHTH về việc xác định thương tích ban đầu và phúc đáp Công an quận Đồ Sơn là Viện đã không làm xét nghiệm nồng độ cồn, ma tuý trong máu nên không có kết quả xét nghiệm để cung cấp theo đề nghị của Công an quận Đồ Sơn (do Viện YHHQ chưa triển khai được kỹ thuật). 

Vụ TNGT khiến nạn nhân đứt lìa chân: Viện Y học HQ lý giải việc không làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu - Ảnh 1.

Viện Y học Hải quân - nơi lái xe Bùi Tiến Dương đang điều trị sau vụ tai nạn chiều 4/9 tại Đồ Sơn, Hải Phòng khiến chủ nhà hàng bị đứt lìa một chân. Ảnh: HV

Cũng theo lãnh đạo Viện YHHQ, đối với các trường hợp vào cấp cứu, điều trị tại Viện được chỉ định lấy mẫu máu làm xét nghiệm nồng độ cồn và ma tuý trong máu khi có đề nghị bằng văn bản từ phía cơ quan công an (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014). Khi có yêu cầu bằng văn bản nói trên, Viện YHHQ thực hiện lấy mẫu máu, bảo quản và gửi cho cơ quan công an thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn và ma tuý tại cơ sở đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm theo quy định của pháp luật. 

"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện YHHQ luôn tuân thủ pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, thực hiện nghiêm quy định theo Thông tư 26/2014 và luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề theo đúng quy định" - lãnh đạo Viện YHHQ nhấn mạnh. 

Khi PV đặt câu hỏi, tại thời điểm lái xe Bùi Tiến Dương vào viện cấp cứu tối 4/9, Công an quận Đồ Sơn có đề nghị Viện YHHQ làm xét nghiệm máu để xác định nồng độ cồn, ma tuý hay không, đại diện Viện YHHQ cho biết, cơ quan công an không có yêu cầu này. Ngày hôm sau, cơ quan công an mới có văn bản, nhưng là văn bản đề nghị cung cấp kết quả xét nghiệm như đã nói ở trên. 

"Khi vào cấp cứu tại Viện YHHQ, bệnh nhân Bùi Tiến Dương có thái độ không hợp tác và không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý của cơ quan công an và kíp trực cấp cứu của Viện. Theo báo cáo của kíp trực thì tại thời điểm đó, bệnh nhân có biểu hiện trả lời không chính xác, hơi thở mùi rượu..." - đại diện lãnh đạo Viện YHHQ cho biết thêm.

Vụ TNGT khiến nạn nhân đứt lìa chân: Viện Y học HQ lý giải việc không làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu - Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến chủ nhà hàng bị đứt lìa chân. Ảnh: CTV

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Hồng Sơn - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong trường hợp lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở và chất ma tuý qua nước tiểu thì việc xác định có hay không nồng độ cồn, chất ma tuý trong máu là rất quan trọng để xem xét trách nhiệm của lái xe. Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì tình trạng lái xe có sử dụng rượu, bia (mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định), có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác là tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 2 của điều luật nói trên. 

"Trong trường hợp không xác định được lái xe có sử dụng rượu bia hay ma tuý, chất kích thích mạnh khác hay không thì sẽ khó khăn trong công tác đánh giá tội phạm và rất có thể dẫn tới sai lầm trong nhận định, thậm chí bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan điều tra" - luật sư Phạm Hồng Sơn nói.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, vào khoảng 18h15 chiều 4/9, xe ô tô BKS 15A-313.xx do ông Bùi Tiến Dương (SN 1978)  lái xe từ khu 2 Đồ Sơn về nhà khách 21, thuộc đường Vạn Hương thì gây ra tai nạn. Thời điểm trên, chiếc xe do ông Dương điều khiển đã bất ngờ lao cắt ngang đường, lao thẳng lên vỉa hè rồi đâm thẳng vào nhà hàng Hải Dương 54. Lúc này, bà Phạm Thị Ng. (SN 1964, thường trú tại quận Đồ Sơn) đang ngồi trước cửa nhà hàng. Xe ô tô do ông Dương cầm lái đã đâm vào bà Ng., khiến người này bị đứt lìa chân trái, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Vụ tai nạn cũng khiến nhiều vật dụng, bàn ghế trong nhà hàng của Hải Dương 54 bị hư hỏng nặng, xe ô tô bị biến dạng phần đầu.

Sau khi gây tai nạn, ông Dương cũng đã được người dân có mặt tại hiện trường đưa đi cấp cứu. Công an quận Đồ Sơn đã phối hợp với VKSND cùng cấp và Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 1 khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm ô tô gây tai nạn, xác minh, ghi lời khai người làm chứng và người liên quan đến vụ việc.

Ngày 5/9, Cơ quan điều tra hình sự khu vực I, Quân khu 3 có công văn đề nghị Công an quận Đồ Sơn bàn giao hồ sơ vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều 4/9 tại Đồ Sơn để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền do lái xe gây tai nạn là một quân nhân. 

Công an quận Đồ Sơn đã báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng về vụ việc và đã hoàn tất các thủ tục ban đầu, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông trên cho Cơ quan điều tra hình sự khu vực I, Quân khu 3 thụ lý, điều tra giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/9, ông Hoàng Thành Công, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 1 cho biết, để đảm bảo tính khách quan, đơn vị đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông nói trên lên Phòng Điều tra hình sự Quân khu 3 (cấp trên của đơn vị) để xử lý.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 2 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem