Vụ Vũ “nhôm”: Tuyên án khi bị cáo vắng mặt có đảm bảo quyền lợi?

Đỗ Thảo Thứ bảy, ngày 08/06/2019 10:18 AM (GMT+7)
Tại buổi tuyên án bản án phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), Trần Phương Bình và 16 đồng phạm (có đơn kháng cáo) gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng DAB, dư luận băn khoăn khi bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến vì sức khỏe yếu đã phải rời phòng xử nhưng HĐXX vẫn tuyên án thì có đảm bảo quyền lợi cho bị cáo này?
Bình luận 0

Về vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Luật sư Sơn cho biết: "Tại khoản 1 Điều 297 và Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc hoãn phiên tòa, theo đó phiên tòa sẽ được hoãn trong trường hợp “bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan”".

Theo luật sư Sơn:

Quy định này nhằm mục đích để đảm bảo quyền được “tự bào chữa” của bị cáo và cũng để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng “xác định sự thật khách quan” của vụ án. Do đó, nó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp vụ án chưa được đưa ra xét xử hoặc đang xét xử dở dang.

Còn trong trường hợp bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng tại thời điểm chủ tọa phiên tòa đang tuyên án, tuy là phiên tòa chưa kết thúc nhưng quá trình xác định sự thật khách quan đã được hoàn tất và bị cáo đã thực hiện được quyền tự bào chữa cho mình. Vậy nên, nếu hoãn phiên tòa tại thời điểm này là hoàn toàn máy móc, cơ học và không cần thiết vì không làm thay đổi bản chất nội dung của vụ án.

img

Bị cáo Xuyến được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ngay tại phòng xử án.

Thêm vào đó, pháp luật hiện hành có quy định trong trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được đưa ra xét xử lại từ đầu, điều này sẽ gây phiền hà, tốn thời gian, công sức, chi phí cho ngân sách Nhà nước và cả những người tham gia tố tụng khác.

Căn cứ vào các Điều 327 quy định về tuyên án, Điều 61 về quyền của bị cáo và Điều 45 về thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc tiếp tục tuyên án trong trường hợp bị cáo vắng mặt tại phiên tòa ở thời điểm đang tuyên án là không xâm phạm tới quyền của bị cáo và hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền điều hành phiên xét xử của chủ tọa phiên tòa.

Thêm vào đó, pháp luật cũng quy định về việc thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình và quyền kháng cáo của bị cáo trong trường hợp không đồng tình với nội dung bản án sơ thẩm. Do đó, trong trường hợp này, quyền và trách nhiệm của các bên vẫn được đảm bảo thực hiện.

"Chiếu theo các quy định và phân tích trên thì trong trường hợp cụ thể, vì lý do sức khỏe mà bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến phải rời tòa khi HĐXX đang tuyên án, HĐXX quyết định tiếp tục tuyên bản án là đúng quy định, quyền của bị cáo Xuyến vẫn được bảo đảm”, luật sư Sơn khẳng định.

img

Cựu Phó Tổng giám đốc quyền lực một thời của Ngân hàng DAB hiện sức khỏe sa sút.

Như Dân Việt đã thông tin, sau 5 ngày xét xử và một tuần tạm dừng phiên tòa để HĐXX nghị án, chiều 7/6, HĐXX Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ án Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79), Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng DAB) và 16 đồng phạm (có đơn kháng cáo) gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng DAB.

Đúng 14h, HĐXX phúc thẩm tuyên án. HĐXX nhận định, tại phiên xử Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. VKS cho rằng, bản án sơ thẩm là có căn cứ, xử đúng người, đúng  tội, đúng pháp luật nên bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo.

Khi HĐXX đang tuyên án, bất ngờ bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Ngay lập tức, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa. Các cán bộ y tế được điều vào phòng xử án để thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bị cáo Xuyến. Bị cáo Xuyến được đưa ra ngoài, sau đó được đưa trở lại phòng xử để tiếp tục nghe tuyên án.

Tuy nhiên, ngồi nghe bản án được chừng 15 phút, bị cáo Xuyến lại phải rời khỏi phòng xử án lần hai vì không đảm bảo sức khỏe. Chủ tọa phiên tòa sau đó đã yêu cầu nếu bị cáo đảm bảo sức khỏe thì sẽ được đưa vào nghe tuyên bản án. Trường hợp bị cáo không thể trở lại phòng xử thì luật sư bảo vệ cho bị cáo Xuyến nghe và truyền đạt lại sau. Tuy nhiên, bị cáo Xuyến đã vắng mặt cho tới kết thúc phiên tuyên án.

Bản án phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với Phan Văn Anh Vũ (17 năm tù, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù), Trần Phương Bình (tù chung thân) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (tổng hợp cho hai tội danh là 30 năm tù).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem