'Vua bầu trời' F-22 Raptor bị đàn ong mật 20.000 con 'ngang ngược chiếm' làm tổ
'Vua bầu trời' F-22 Raptor bị đàn ong mật 20.000 con 'ngang ngược chiếm' làm tổ
Phương Đăng (theo NI)
Thứ tư, ngày 24/11/2021 20:00 PM (GMT+7)
Các nhân viên bảo dưỡng chiếc tiêm kích F-22 Raptor của Không quân Mỹ đã phát hiện ra đàn ong mật 20.000 con đang bám chặt ở ống xả phản lực của máy bay. Các chuyên gia suy đoán rằng những con ong này đang xây tổ cho ong chúa ở đây.
Theo National Interest, các tiêm kích F-22 Raptor vốn là những chiếc máy bay được tán dương nhất của Không quân Mỹ. Chúng được mệnh danh là "vua bầu trời" hoặc "sát thủ tàng hình" và có giá lên tới 200 triệu USD/chiếc.
F-22 Raptor xuất hiện từ cuối những năm 1990 và chiếc cuối cùng của dòng máy bay này được chuyển giao vào năm 2012. Kể từ đó, những chiếc F-22 đã trở thành "con mắt trên bầu trời" của Không quân Mỹ.
Nhưng siêu tiêm kích đắt đỏ này cũng từng bị một đàn ong mật 20.000 chiếm lĩnh để làm tổ. Đó là câu chuyện năm 2016 xảy ra với một chiếc F-22 thuộc đội Air Wing 192 tại Căn cứ Liên hợp Langley-Eustis ở bang Virginia.
Vào một ngày tháng 6 năm đó, theo lời kể lại, các nhân viên bảo dưỡng máy bay đã phát hiện ra một đàn ong mật đang bám chặt trên ống xả của một tiêm kích F-22.
Họ đã cân nhắc tìm cách loại bỏ đàn ong, nhưng sau đó nhận ra rằng họ không nên vì những con ong đặc biệt này đang có nguy cơ tuyệt chủng.
"Tôi cũng bị sốc như tất cả những người khác vì đàn ong hàng nghìn con trông giống như một đám mây nhưng tôi biết chúng sẽ không đốt bất cứ ai và chỉ đang tìm kiếm một nơi ở mới”, trung sĩ kỹ thuật Jeffrey Baskin, trưởng Phi đội Bảo trì 192 cho biết.
"Hàng xóm của tôi nuôi 2 đàn ong mật nên tôi biết chúng có nguy cơ tuyệt chủng. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi có thể nhờ một chuyên gia về ong mật đến xử lý chúng”, Baskin nói thêm.
Người nuôi ong Andy Westrich ở gần đó, cũng là một cựu quân nhân kỳ cựu của Hải quân Mỹ đã được gọi đén và xác nhận rằng đây là tổ ong lớn nhất ông từng được thấy.
Ông Westrich dùng một ống chân không để hút hàng ngàn con ong vào các thùng lớn và di chuyển chúng một cách nhẹ nhàng. Trước khi đưa bầy ong đến nơi ở mới, ông Westrich đem chúng về nhà và phát hiện ra cả bầy nặng gần 3,5 kg.
Nhưng làm cách nào gần 20.000 con ong lại làm tổ trên ống xả của chiếc F-22? Có vẻ như chúng đến từ một tổ ong khác lớn hơn nhiều ở đâu đó trong căn cứ, ông Gregg Allen, trưởng Nhóm Bảo trì Đảm bảo Chất lượng 192, nhận định.
“Các tổ ong phát triển liên tục và đến 1 lúc nào đó chúng sẽ trở nên quá đông đúc. Vào mùa xuân, những con ong sẽ tìm ong chúa mới, tìm nơi làm tổ mới rồi đem một nửa số thành viên tới nơi đó”, ông Allen cho biết.
Theo ông Westrich, có vẻ như con ong chúa mới đã đậu lên chiếc F-22 để nghỉ ngơi nên hàng nghìn ong mật còn lại cũng đậu vào đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.