Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn: Khâu thu hoạch cà phê chỉ được... 0% (Bài 3)

Nhật Trường - Thiên Ngân Thứ hai, ngày 22/08/2022 15:50 PM (GMT+7)
Do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân còn thấp nên khả năng đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Đa số lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo nghề; dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp kém phát triển, dẫn đến người có máy nhưng chưa sử dụng hết công năng, tác dụng của máy, khiến năng suất lao động đạt thấp…

Mong có máy thu hoạch quả chín

Ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Võ Văn Giáp là một trong những nông dân đi đầu trong việc áp dụng máy móc cơ giới hoá vào vườn cây ăn trái ở địa phương. Gia đình ông đang trồng 1ha cây chanh, ông đã tự sắm cho mình 3 loại xe chuyên dụng để phục vụ sản xuất, gồm 1 xe phun xịt thuốc, 1 xe cắt cỏ, 1 xe vận chuyển vật tư, phân bón và phục vụ thu hoạch. 

Mấy loại máy này ông Giáp đều mua đồ đã qua sử dụng nên đầu tư hết khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng giúp ông "khoẻ" hơn rất nhiều nhờ tiết kiệm nhân lực, chi phí so với thuê mướn lao động chân tay trước đây.

Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài 3): Yếu nhất khâu thu hoạch - Ảnh 1.

Thu hoạch khoai tây bằng máy tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: I.T

Ngành cơ khí trong nước hiện đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm hơn 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15% thị phần. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn hơn 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

"Hiện nay, mảnh vườn của tôi nếu thuê mướn người xịt thuốc thì hết khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, mùa mưa còn tăng lên nữa. Nhưng có máy phun xịt, tôi lời được 2,5 triệu đồng tiền thuốc. 

Ngoài ra, khi xịt tay thủ công phải cần tới 2.000 lít nước, còn xịt máy thì cần khoảng 1.500 lít, nghĩa là vừa giảm tiền nước vừa giảm tiền thuốc. Tương tự, với máy cắt cỏ, cắt đến đâu máy thổi vô gốc, làm phân bón giữ ẩm luôn cho cây" - ông Giáp chia sẻ.

Hay như ở vùng trồng khóm (dứa) xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, những năm gần đây nhiều nông dân không phải còng lưng đổ mồ hôi đi tưới từng gốc khóm như trước nhờ có hệ thống tưới tự động; khâu phun thuốc cũng vậy. 

Ông Bùi Hữu Thiện – nông dân xã Phú Mỹ cho biết, gia đình ông và bà con trồng khóm đã lắp đặt xuồng mini và vòi phun thả dưới kênh, mương. Khi động cơ hoạt động, chiếc xuồng sẽ tự di chuyển để phun tưới mà không phải mất nhiều công sức tưới thủ công.

"Trồng cây khóm trước tiên là làm đất, tôi sử dụng máy xới. Sau đó, tới giai đoạn tưới phân hay xịt thuốc cũng sử dụng máy hết nên chỉ cần một người thôi. Nếu có máy trồng khóm, máy thu hoạch khóm nữa thì nông dân quá khoẻ" - ông Bùi Hữu Thiện nói.

Cũng nói đến việc thu hoạch, năm nào gia đình chị Nguyễn Thị Ánh ở xã Trạm Hành, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê người hái rẫy cà phê hơn 2ha. Có năm, vì không thuê được người làm, gia đình chị đã phải bán rẻ 10 tấn cà phê với giá chỉ bằng 1 nửa giá thị trường. 

Vì thế, hơn ai hết chị Ánh cũng như các hộ trồng cà phê ở đây mơ ước có loại máy thu hoạch cà phê phù hợp, giúp đẩy nhanh công việc thu hoạch, đồng thời phân loại được quả chín - quả xanh để giải phóng sức lao động.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 174.000ha cà phê, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn quả tươi. 

Để thu hoạch hết số nông sản này, ngoài lực lượng lao động tại chỗ, Lâm Đồng cần thuê khoảng 40.000 lao động thời vụ từ các địa phương khác. 

Không riêng gì Lâm Đồng, tại Tây Nguyên, cà phê, hồ tiêu thường được trồng thành vùng chuyên canh lớn, chín đồng loạt nên cần rất nhiều nhân công giải quyết trong thời gian ngắn.

Nhưng một khảo sát mới đây của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, đối với cây cà phê, hiện khâu làm đất đã cơ giới hoá được 58%; chăm sóc đạt 16,3%, còn khâu thu hoạch là... 0%. Vì thế, năm nào cũng như năm nào, khu vực này đều "khát" nhân công thu hoạch.

Đồng ruộng manh mún bó chặt cơ giới hoá

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, ở những nước có nền nông nghiệp hiện đại, người ta đã áp dụng máy thu hoạch cà phê, máy thu hoạch trái cây nhờ có cánh đồng rộng lớn; cây công nghiệp hay cây ăn trái được trồng đúng kỹ thuật ngay từ ban đầu, như thẳng hàng lối, mật độ, khoảng cách giữa hàng với hàng, cây với cây được đảm bảo thuận lợi cho máy móc hoạt động. 

Hay như ở Nam Phi, nông nghiệp nước này đã áp dụng máy móc rất hiện đại vào khâu thu hoạch lúa mì, nhưng nếu mua chiếc máy này để áp dụng vào thu hoạch lúa của nước ta thì không phù hợp vì máy không chạy được trên địa hình bùn ướt, diện tích manh mún…

Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài 3): Khâu thu hoạch cà phê chỉ được... 0% - Ảnh 4.

Ở những nước có ngành cơ khí phát triển, việc trồng lúa mì được những cỗ máy hiện đại như thế này hỗ trợ đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. Ảnh: Reuters)

Theo Bộ NNPTNT, những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong từng lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp đã tăng nhanh. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa chưa đồng đều ở các khâu, các lĩnh vực. Còn nhiều khâu sản xuất quan trọng, chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn, nhưng tỷ lệ cơ giới hóa lại thấp. 

Theo đó, mới tập trung chủ yếu cơ giới hoá ở khâu làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Ở nhiều khâu, mức độ cơ giới hóa còn rất khiêm tốn và yếu, nhất là đối với khâu thu hoạch cây ăn trái; nuôi thuỷ sản…

Riêng ở lĩnh vực lâm nghiệp, hiện vẫn có tới 70% khối lượng công việc làm thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển.

Báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay mức độ cơ giới hoá trong sản xuất cây ăn trái mới tập trung ở một số khâu như chuẩn bị đất trồng, tưới, chăm sóc (phun thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ) và chế biến, bảo quản. Khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân chủ yếu vẫn làm thủ công. 

Đối với vùng ĐBSCL, hầu hết các loại cây ăn trái được canh tác trên các liếp; đối với vùng trung du miền núi thì diện tích phân tán, độ dốc cao nên rất khó khăn cho cơ giới hoá.

Do đặc tính của cây ăn trái thường là những cây thân gỗ lâu năm, có chiều cao trung bình lớn, tán rộng, nhiều lá và có đặc điểm khác nhau nên phải áp dụng máy móc, thiết bị, công nghệ khác nhau cho từng loại cây. Điều này cũng gây khó khăn cho tăng tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng cho áp dụng máy móc, thiết bị như: giao thông nội đồng; quy mô canh tác nhỏ, phân tán, độ dốc; hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ; hệ thống điện phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, bà con nông dân thường trồng các loại cây ăn trái có mật độ cao hơn nhiều so với quy định, dẫn đến khi áp dụng máy móc, thiết bị vào chăm sóc thu hoạch rất khó khăn… 

Theo ông Lê Quốc Thanh, để thúc đẩy quá trình cơ giới hoá đồng bộ hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 858 phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp, trong đó có rất nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển cơ giới hoá, cơ giới hóa đồng bộ tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem