Quảng Xương là huyện nghèo ven biển, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển và làm nông nghiệp. Những lúc nông nhàn hay biển động, họ đành ngồi chơi vì không có nghề phụ, nên cuộc sống còn rất khó khăn.
|
Nghề mộc được nhiều lao động nông thôn ở Quảng Xương học. |
Nhàn hơn nhờ có nghề
Xác định để nâng cao đời sống của người dân phải gắn liền với đào tạo nghề cho họ, nên những năm gần đây Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề (GDTX&DN) của huyện liên tục mở các lớp dạy nghề may, mộc, chẻ tăm tre... nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân.
Ông Phạm Văn Nhất - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX&DN huyện Quảng Xương cho hay: "Năm 2011, nhà trường đã mở 20 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như may công nghiệp, thêu ren, làm tăm hương xuất khẩu... cho 700 học viên. Sau khi ra trường, học viên được nhận vào làm tại một số xưởng, công ty với thu nhập từ 1,2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Gần đây, chúng tôi còn liên kết với một số trường bạn, doanh nghiệp mở các lớp điêu khắc gỗ, nuôi trồng thuỷ sản, đào tạo sát hạch lái xe ô tô, xe máy...".
Trước đây, chị Lê Thị Hà (xã Quảng Đại) lúc nhàn rỗi phải lên TP. Thanh Hóa phụ hồ mà thu nhập chẳng đáng là bao.
"Từ khi học nghề chẻ tăm hương, tôi có việc làm ổn định, công việc nhẹ nhàng lại được ở nhà" - chị Hà tâm sự. Không chỉ đào tạo nghề, nhiều học viên còn được học văn hóa.
Em Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Quảng Nham phấn khởi nói: "Một buổi em học văn hoá, một buổi theo học nghề chạm khắc gỗ. Nghề này nếu có tay nghề thì thu nhập cũng khá và có nhiều cơ hội kiếm việc làm. Tốt nghiệp, em sẽ xin vào làm ở một xưởng nào đó, khi nào tích lũy đủ vốn, kinh nghiệm, em sẽ mở xưởng riêng".
Còn nhiều khó khăn
Những kết quả đạt được ban đầu về dạy nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Xương là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và các ban, ngành trong việc tuyên truyền sâu rộng đến các thôn xóm, giúp người dân hiểu rõ lợi ích, sự cần thiết của việc học nghề. Với phương thức đào tạo đa dạng các nghề, đào tạo gắn với thực hành, khi tốt nghiệp hầu hết các học viên đều đã thạo nghề, tự tin làm ra sản phẩm, qua đó giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
"Từ khi học nghề chẻ tăm hương, tôi có việc làm ổn định, công việc nhẹ nhàng lại được ở nhà".
Chị Lê Thị Hà
Theo điều tra, hàng năm toàn huyện có khoảng 1.200-1.500 người có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất nhà trường hạn chế, thiếu trang thiết bị dạy học, thực hành, nên không thể tiếp nhận hết. Về vấn đề này, ông Nhất chia sẻ: "Đây là điều mà trung tâm rất băn khoăn, trước mắt, chúng tôi vẫn phải cố gắng dạy và học 3 ca. Về lâu dài, chúng tôi đã trình đề án lên tỉnh xin nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Sau khi được nâng cấp, việc đào tạo nghề cho người dân chắc chắn sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn".
Ông Nhất cho hay, mặc dù Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ đã triển khai hơn 1 năm, nhưng hiện trung tâm vẫn chưa nhận đào tạo một lớp nào liên quan đến đề án này. "Khi đi điều tra nhu cầu học của người dân, chúng tôi thấy lãnh đạo nhiều nơi vẫn còn xem nhẹ việc đào tạo nghề, do đó công tác triển khai đề án cũng như định hướng cho người dân học nghề còn rất hạn chế, khó khăn" - ông Nhất cho hay.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.