Đánh giá chung của ông như thế nào về dự thảo luật lần này đối với hoạt động báo chí?
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: T.H
- Báo chí của chúng ta được đánh giá là có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong thời gian gần đây, một bộ phận báo chí bị phê phán là có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đưa tin giật gân, câu khách... Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn, đòi hỏi người làm báo, báo chí phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp, do vậy luật phải được xây dựng theo cách vừa đảm bảo sự “thượng tôn pháp luật”, vừa đảm bảo tự do báo chí.
Một trong những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí quy định trong dự thảo luật là cấm tiết lộ các loại bí mật, cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, cấm tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, ở đâu cũng có, lĩnh vực nào cũng có vùng cấm, có những nội dung và hành vi bị cấm. Ở nước nào cũng vậy thôi, vì ở đâu chẳng có bí mật quốc gia, bí mật quân sự, những bí mật khác... cần phải được bảo vệ. Cứ nhìn sang nước Mỹ mà xem, được coi là thế giới tự do, thế nhưng họ vẫn có nhà tù, có nhiều quy định cấm đoán báo chí là đằng khác. Chẳng hạn phóng viên vào phòng xét xử ở tòa thì không được chụp ảnh. Báo nào cần hình ảnh minh họa thì tự vẽ lấy, phác họa chân dung bị can, bị cáo, quan tòa...
Còn quy định về cấm tiết lộ bí mật đời tư là thuộc phạm trù đạo đức. Con người ai cũng có danh dự, nhân phẩm, báo chí không thể tự do phanh phui, đưa ra bình phẩm, phán xét, quy kết, cợt nhả, khen, chê… Luật ở các nước khác cũng quy định cấm điều đó. Nước nào không có luật thì nội dung này được quy định trong quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, do hiệp hội báo chí quy định.
Dù có nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo luật sửa đổi vẫn không có quy định coi tác nghiệp báo chí là hoạt động thi hành công vụ. Điều này có nghĩa là các nhà báo tác nghiệp trong môi trường nguy hiểm sẽ không được pháp luật bảo vệ, không được hưởng các hỗ trợ liên quan?
Quan điểm
Dù giám đốc kiêm nhiệm luôn chức tổng biên tập thì vẫn là cồng kềnh. Quy định này chỉ phù hợp với cơ quan báo chí lớn, có nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ thông tin.
- Theo tôi thì không hẳn như vậy, mặc dù nghề báo theo đánh giá chung của quốc tế là một nghề nguy hiểm. Khi đưa tin chiến tranh, điều tra chống tham nhũng, chống tội phạm, buôn lậu, buôn bán ma túy… nhà báo luôn gặp rủi ro, đứng trước nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng, phải dấn thân mới có những tác phẩm báo chí tốt. Ở một mức độ nào đó, việc nhà báo làm việc trong môi trường rủi ro cũng giống như thực thi một công vụ vì họ cũng tham gia công việc của quốc gia, công việc của những cơ quan chức năng như lực lượng an ninh, công an thực hiện. Tuy nhiên, “công vụ” của nhà báo chỉ dừng ở chỗ thu thập thông tin và công bố thông tin, còn xử lý đúng sai như thế nào là do các cơ quan chức năng nhà nước quyết định. Chức năng của báo chí chỉ là thông tin, phản ánh.
Theo tôi được biết thì vẫn còn nhà báo giữ ý kiến, đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc đưa quy định đó vào luật. Tuy nhiên, không có điều khoản đó thì nhà báo vẫn được pháp luật bảo hộ, bảo đảm cho nhà báo thực hiện đươc nhiệm vụ của mình.
Qua thực tế góp ý cho dự thảo luật, còn ý kiến nào đáng quan tâm nữa, thưa ông?
- Ý kiến thống nhất, đồng tình là cơ bản, nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, chẳng hạn như về vấn đề báo chí thuộc loại hình hoạt động nào, là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu thì đúng rồi, còn có thể là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hay không?
Vấn đề thứ hai là việc quy định chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc hoặc giám đốc thay vì chức danh tổng biên tập như hiện nay. Nhiều người cho rằng quy định mới là tiến bộ, phù hợp, vì một cơ quan báo chí có thể điều hành, thực hiện nhiều loại hình báo chí, có nhiều ấn phẩm, nhiều dịch vụ thông tin thì một tổng biên tập không thể “ôm” cả nội dung tất cả những sản phẩm đó. Như vậy cần có một ông/bà tổng giám đốc để điều hành chung, còn tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung thôi. Cũng có những ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định cũ, vì một cơ quan báo chí nhỏ, có mỗi một tạp chí ra hàng tháng mà bổ nhiệm cả chức danh giám đốc, tổng biên tập thì quá nhiều...
Ba là vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí cũng chưa có sự thống nhất, là vì thực tiễn liên kết trong sản xuất chương trình thời gian vừa qua đã để xảy ra những sự cố, sai sót đáng tiếc, mà cơ quan chủ quản khó kiểm soát hết. Thế nhưng hoạt động liên kết được cho là cần thiết để cơ quan báo chí có thêm chương trình, có thêm kinh phí xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ. Nên chăng hoạt động liên kết cần được quy định chặt chẽ, tránh tình trạng để tư nhân núp bóng làm báo, mà ở nước ta không chấp nhận báo chí tư nhân.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.