Vùng cam Hà Nội nhiễm bệnh hàng loạt: Nhiều hộ mất trắng 200-300 triệu đồng

Trần Quang Thứ năm, ngày 25/12/2014 08:33 AM (GMT+7)
Do đua nhau trồng cam đường Canh không theo quy hoạch, gây ra tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng khó kiểm soát nên nhiều hộ dân ở xã Kim An (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề, một số hộ phải phá bỏ cả vườn cam.
Bình luận 0

Gia đình anh Nguyễn Hữu Tâm ở thôn Tràng Cát, xã Kim An trồng hơn 300 gốc cam đường Canh (chủ yếu là cam trên 3 năm tuổi), mặc dù đang đến kỳ cho thu hoạch, nhưng năm nay vườn cam bị nhiễm bệnh nên năng suất giảm nghiêm trọng. Anh Tâm cho biết: “Cam trong vườn nhà đang vào tuổi phát triển, cho quả nhiều và ngọt nhất, nhưng hiện rất nhiều cây bị vàng lá, xoăn lá, có đậu quả nhưng không ăn được. Nếu vụ cam này không bị hỏng, gia đình tôi sẽ thu được trên 300 triệu đồng, nhưng giờ cam nhiễm bệnh hàng loạt nên đành phải ngậm đắng chặt bỏ hết để trồng cây khác”.

img
Do cam đường Canh bị dịch bệnh hàng loạt, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội) phải chặt, phá bỏ đi. 
Anh Tâm cho biết thêm, không chỉ riêng gia đình anh chịu thiệt hại vì dịch bệnh mà nhiều hộ khác cũng đang phải chặt bỏ vườn cam, thiệt hại kinh tế nặng nề như hộ anh Nguyễn Văn Quốc, lỗ gần 200 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Kim Tráng phải chặt bỏ 200 cây… “Mọi năm, vào dịp này thương lái từ khắp nơi đến thu mua cam, ai cũng phấn khởi, nhưng năm nay cam mất mùa nặng, cả làng buồn như đưa đám, rất ít hộ còn cam để bán” – anh Tâm nói.

Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Quốc ở thôn Tràng Cát, phóng viên nhận thấy vườn cam đường Canh đang ở độ tuổi phát triển, song nhiều cây lá đã ngả màu vàng và xoăn tít, quả chuyển màu đen. Anh Quốc ngậm ngùi nói: “Có bao nhiêu tiền bạc gia đình tôi đều đổ cả vào vườn cam, chỉ mong cuối năm thu hoạch bán lấy tiền tiêu tết, trang trải sinh hoạt gia đình, nào ngờ năm nay lại thất bại cay đắng thế. Nhà tôi vét mãi cũng mới được hơn 20 triệu đồng, chả đủ chi phí đầu tư”.

Được biết, thôn Tràng Cát có hơn 20ha cam, trong đó khoảng 60 – 70% diện tích đang bị nhiễm bệnh nặng. Anh Quốc cho biết thêm, ngày 26.12 tới đây xã sẽ tổ chức đón bằng công nhận nhãn hiệu cam Canh tập thể do thành phố cấp. Mặc dù có thương hiệu, nhưng người trồng cam ở đây hầu hết vẫn trồng tự phát, theo phong trào chứ chưa hề được quan tâm, hỗ trợ.

Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim An cho biết, theo kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh cam đường của xã, đến năm 2020 diện tích cam mới đạt 70ha, nhưng nay đã đạt trên 60ha. Lý giải về nguyên nhân diện tích cam vượt quy hoạch, ông Cường nói: “Cây cam đã được bà con trồng tự phát tại địa phương từ hàng chục năm về trước. Đến năm 2012, ngành chức năng mới triển khai xây dựng vùng chuyên canh cam đường Canh, do đó khi chúng tôi hướng dẫn bà con thay đổi thói quen canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Theo khuyến cáo, mật độ trồng cam khoảng 40 cây/sào, nhưng bà con thường tham trồng dày gấp hàng chục lần cho phép, dẫn tới dịch bệnh xảy ra ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem