Vườn vùng đất phèn ở Sóc Trăng, "liều" trồng cây đặc sản, trái ra quá trời, cả làng phục lăn

Thứ bảy, ngày 12/10/2024 06:14 AM (GMT+7)
Khi nói về cây ăn trái của huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), nhiều người thường nhắc ngay đến trái quýt đường (còn gọi là quýt vỏ xanh). Mặc dù huyện thuộc vùng đất trũng phèn, nhưng rất thích hợp trồng các loại cây có múi. Nhiều hộ dân trồng cây quýt đường tại địa phương này mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Bình luận 0

Cây quýt đường dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, do đó nhiều nông dân trên địa bàn 2 xã Long Hưng và Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã mở rộng diện tích trồng, thay thế dần các loại cây trồng kém hiệu quả như: cây mía, cây tràm… 

Dẫn chúng tôi thăm vườn quýt đường của gia đình, ông Nguyễn Minh Thê, xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) bộc bạch: ''Đây là vườn quýt đang cho thu hoạch lứa trái đầu tiên, với diện tích 0,6ha. Toàn bộ khu vườn quýt trước đây là đất trồng tràm, do hiệu quả kinh tế cây tràm đem lại thấp, nên tôi quyết định chuyển sang trồng quýt đường, nâng tổng diện tích vườn quýt lên 2ha".

Ông Minh Thê chia sẻ thêm: “Cây quýt sau 3 năm trồng đã thu hoạch trái. Quýt có trái quanh năm và khi cây được 5 năm tuổi trở về sau thì năng suất trái càng cao, bởi cây có nhiều cành, nhánh, tán lá rộng nên cho trái nhiều. 

img

Ông Nguyễn Minh Thê, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) bên vườn quýt của gia đình cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm/2ha. Ảnh: THÚY LIỄU.

Thu hoạch quýt rộ là vào tháng 3 - 4 âm lịch và tháng 9 âm lịch đến tháng giêng. Thường giá quýt cao trong những tháng mùa khô, từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; còn các tháng mùa mưa, giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Vườn quýt của gia đình tôi thu hoạch 5 đợt/năm, tổng sản lượng 20 tấn, trừ các khoản chi phí đầu tư mùa vụ lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với trồng mía và trồng cây tràm”.

“Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Hưng Phú gần 440ha, trong đó diện tích quýt đường hơn 325ha. Cây quýt đã phát triển trên địa bàn xã Hưng Phú hơn 20 năm qua. Nhà vườn trồng quýt hầu hết đều có đời sống khá giả, sung túc.

Hiện tại, xã đang có 1 tổ hợp tác trồng quýt đường và đang tiếp tục phát triển thêm 1 tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã trồng quýt đường để kết nối tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp thu mua, phục vụ thị trường trong nước, kể cả xuất khẩu. 

Cùng với đó, xã đã có 30ha quýt đường được ngành chuyên môn cấp mã số vùng trồng. 

Xác định cây quýt đường là cây trồng chủ lực của địa phương, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục vận động nông dân mở rộng trồng cây quýt đường”, đồng chí Trần Văn Cần - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết.

Hơn 20 năm gắn bó cùng cây quýt đường, ông Nguyễn Hưng Ban, xã Hưng Phú cho biết: “Mặc dù là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, nhưng nhà vườn phải quan tâm đến việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. 

Nhờ tìm hiểu các đặc tính của cây, vườn quýt 4ha của tôi canh tác đã qua 20 năm cây vẫn cho năng suất tốt. Tôi trồng quýt chỉ sử dụng phân hữu cơ. 

Phân được làm từ rơm rạ và phân bò được ủ mục. Trước khi bón phân cho cây, tôi tiến hành xới đất quanh gốc cây cho tơi xốp mới bón phân vào gốc, thời điểm bón phân là đầu và cuối mùa mưa. 

Khi cây lớn dần, tôi cắt bỏ các cành cây đã bị khô, tỉa bớt tán lá rậm rạp quanh gốc cây, tạo sự thông thoáng cho cây ra hoa kết trái đạt năng suất. Thời điểm cây cho trái nên loại bỏ bớt trái trên cành, để số trái vừa phải, nhằm giúp trái có độ lớn đồng đều và đạt chất lượng tốt nhất. 

Ngoài ra, cần phải chú ý các loại sâu hại tấn công trên lá, trên trái như: sâu xanh, sâu vẽ bùa, ruồi vàng, nhện đỏ… kịp thời phòng trị. 

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong canh tác vườn quýt nên năng suất khu vườn quýt sẽ được duy trì hằng năm là 10 tấn/ha. Tổng sản lượng quýt sau thu hoạch là 40 tấn/4ha/năm, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm".

Đầu ra của trái quýt đường sau thu hoạch khá tốt, thương lái đến tận nhà vườn thu mua. Hiện nay, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) định hướng sẽ phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung trên địa bàn 2 xã này, trong đó sẽ phát triển 2 loại cây trồng chính là vú sữa tứ quý và cây quýt đường.

Các loại cây này phù hợp vùng đất, cho sản lượng và chất lượng trái ngon, thị trường ưa chuộng.

"Để phát triển tốt vùng trồng cây ăn trái của huyện, huyện sẽ tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng vú sữa tứ quý và cây quýt đường. 

Cùng với đó, huyện sẽ có những hỗ trợ về kỹ thuật trồng, hướng dẫn cách chăm sóc cây trong suốt quá trình sinh trưởng của cây và có những chính sách hỗ trợ phù hợp đến hộ dân trong chuyển đổi cây trồng…", đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết.

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem