Thầy giáo Bình là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ. Kể về cơ duyên đến với nghề trồng cam thầy Bình cho biết, thầy vốn là giáo viên dạy môn Địa lý ở Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Công tác lâu năm tại Văn Giang - nơi có truyền thống làm vườn giỏi, ngoài trau dồi thêm nghiệp vụ, thầy còn tìm tòi, nghiên cứu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm vườn, nhất là kỹ thuật trồng và chăm sóc cam.
Với thầy giáo Bình, chăm sóc vườn cam không chỉ là thêm thu nhập mà còn là niềm đam mê, yêu thích.
“Tuy làm giáo viên, nhưng tôi có đam mê mãnh liệt với làm nông nghiệp. Năm 2006, tôi thuê 1 mẫu đất ở quê nhà Kiêu Kỵ trồng 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam Canh”.
Vườn cam VietGAP thẳng tắp từng hàng và sai trĩu quả đẹp như tranh vẽ của thầy giáo Bình.
Từ ngày có vườn cam, ngoài những giờ trên lớp, vợ chồng con cái thầy Bình cùng tập trung chăm sóc vườn. Thầy Bình tâm sự: “Trồng cam vừa là có thêm thu nhập vừa là được “xả stress” sau những bộn bề lo toan cuộc sống thường ngày. Càng trồng cam lại tôi càng thấy ham, thấy mê”.
Vườn cam VietGAP của thầy Bình được Viện Nghiên cứu rau quả khảo sát, chọn lọc và xây dựng cây đầu dòng.
Năm 2014, thầy Bình về hưu và tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích trồng cam. Hiện, gia đình thầy Bình đã thuê thầu 23 mẫu đất (gần 9 ha) để trồng cam Vinh và cam Canh. Mỗi năm, xuất bán 150 tấn cam với giá 25.000 đồng/kg, thầy Bình có doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Thầy Bình sử dụng các đèn sinh học để bẫy côn trùng.
Điều đáng chú ý, thầy Bình cũng là người đầu tiên ở xã thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, thầy Bình đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, sử dụng các loại thuốc vi sinh… 100% vườn cây ăn quả của gia đình thực hiện việc phun thuốc trừ sâu cách ly trước thu hoạch khoảng 2 tháng nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.