Sốc nhiệt, một loại quả ngon, bổ dưỡng, bán đắt tiền ở Khánh Hòa rụng hàng loạt trái non, xót hết cả ruột

Thứ năm, ngày 18/05/2023 12:16 PM (GMT+7)
Do nắng nóng kéo dài, đến đầu tháng 5 này, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) xuất hiện mưa lớn đầu mùa đã khiến cho nhiều diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện bị rụng rụng trái non. Nông dân các xã đang tập trung chăm sóc để cây sầu riêng đảm bảo năng suất, chất lượng vụ sầu riêng năm nay.
Bình luận 0

Những ngày qua, nhiều người trồng sầu riêng ở tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) tất bật lo chăm sóc sầu riêng để hạn chế tình trạng rụng quả non do thay đổi thời tiết. ông Trần Dũng – một chủ vườn sầu riêng ở địa cho biết: “Nắng nóng kéo dài từ sau Tết Nguyên đán, đến đầu tháng 5 này xuất hiện mưa lớn đầu mùa đã khiến cho cây sầu riêng bị sốc thời tiết, khiến cho cây bị rụng quả non nhiều. Như gia đình tôi có 2,2ha sầu riêng, trong đó có 1 ha sầu riêng tơ (5 năm), tỷ lệ sầu riêng tơ rụng quả lên đến hơn 50%, sầu riêng lâu năm rụng ít hơn, khoảng 25% tỷ lệ quả trên cành. Tôi đang lo, thời tiết nắng mua như thế này sầu riêng sẽ tiếp tục rụng quả”.

Sốc nhiệt, một loại quả ngon, bổ dưỡng, bán đắt tiền ở Khánh Hòa rụng hàng loạt trái non, xót hết cả ruột - Ảnh 1.

Sầu riêng trong vườn của gia đình ông Trần Dũng, nông dân thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị rụng trái non rất nhiều.

Tương tự, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ở các xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, thị trấn Tô Hạp… tất bật lo chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình mình sau khi quả non rụng nhiều do ảnh hưởng của thời tiết; tỷ lệ sầu riêng rụng lên đến khoảng 30% số quả trên cành, những vườn sầu riêng tơ (4-5 năm tuổi), tỷ lệ rụng còn cao hơn. 

Như tại xã Sơn Bình, có 430ha sầu riêng, trong đó có 380ha cho thu hoạch, do ảnh hưởng của thời tiết có hơn 20ha sầu riêng tơ của các nhà vườn trên địa bàn có tỷ lệ sầu riêng rụng hơn 30% số quả. Còn tại xã Sơn Lâm, trong số 650ha sầu riêng của toàn xã, có 370ha đang trong thời gian xổ nhụy, đậu quả; do sốc thời tiết, mưa to những ngày đầu tháng 5, toàn xã có 80ha sầu riêng bị rụng quả, tỷ lệ rụng hơn 80% số quả trên cảnh.

Hiện, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 2.500ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng hơn 1.500ha trong thời kỳ kinh doanh. 

Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa vừa đến mưa to trong giai đoạn cây ra hoa, đậu quả nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây sầu riêng; ước tính tỷ lệ sầu riêng bị rụng trái non tại các nhà vườn có cây bói khoảng 30-35%, một số nhà vườn rụng nhiều, tỷ lệ rụng lên đến 70-80% số quả trên cành. Ngoài ra, thời tiết thất thường còn tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh xuất hiện trên cây sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Trước những diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa đầu mùa, khiến sầu riêng bị rụng trái non, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng, nhất là cây sầu riêng đang trong thời gian nuôi trái nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng. 

Trong đó, các nhà vườn cần lưu ý, đối với những vườn sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ, số lượng trái vẫn còn nhiều trên cành thì tiếp tục chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho cây để sầu riêng không tiếp tục rụng trái non. Đối với những vườn tỷ lệ rụng hoa, rụng trái quá nhiều thì người dân nên xử lý để kích thích cây ra hoa lại.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn huyện Khánh Sơn, trong giai đoạn sầu riêng xổ nhụy - đậu quả mà gặp mưa thì cây rất dễ rụng quả, ra đọt non. Vì vậy, người dân chăm sóc, phun thuốc theo hướng dẫn đã được tập huấn để điều khiển, giảm việc rụng quả, chặn việc cây ra đọt non giúp cho quá trình thụ phấn, đậu quả được tốt hơn. 

Trong các giai đoạn hoa xổ nhụy, đậu quả non từ 15-20 ngày cần phun các loại phân bón lá theo khuyến cáo để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế hiện tượng cháy múi. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để kiểm tra, nắm bắt diễn biến của các loại sâu bệnh, áp dụng các giải pháp đã được hướng dẫn để phòng trừ rệp sáp, rầy xanh, rầy nhảy, sâu đục quả…

Hải Lăng (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem