Vướng "lùm xùm" sản phẩm bị Ireland thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao?

N.Minh Thứ bảy, ngày 28/08/2021 09:58 AM (GMT+7)
Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo, được xem là “vua mì ăn liền” tại Việt Nam với doanh thu lên tới trên 10.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Thông tin mì ăn liền do Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại châu Âu do có sử dụng Ethylene Oxide đang gây hoang mang cho người dùng.

Chưa đầy 1 năm, Acecook Việt Nam 2 lần vướng "lùm xùm" thu hồi sản phẩm

Cụ thể, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) vừa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất trừ sâu không được phép Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo trên trang fsai.ie, hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good vị sườn heo - đều do công ty Acecook Việt Nam sản xuất; và 1 sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc - đó là mì Yato vị hải sản.

Vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Thông báo thu hồi sản phẩm trên trang web. (Ảnh chụp màn hình)

FSAI cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.

Theo ghi nhận, Amazon cũng đã gửi thư thu hồi các sản phẩm này đến những khách hàng đã mua qua sàn.

Amazon thông báo: Quyết định do Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi châu Âu (RASFF) ban hành. Khách hàng sau khi hoàn hàng sẽ được sàn trả lại tiền.

Vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Hai sản phẩm bị thu hồi của Acecook. (Ảnh chụp màn hình)

Đây không phải là lần đầu tiên Acecook Việt Nam vướng "lùm xùm" thu hồi sản phẩm.

Trước đó vào cuối năm 2020, Hàn Quốc cũng thu hồi một số phở đóng gói của Công ty CP Acecook Việt Nam vì được cho là có chứa hàm lượng Benzo(a)pyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm. Acecook Việt Nam đã phản hồi đó là những sản phẩm phở ăn liền Peacock được gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu không lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Thời điểm đó, đơn vị này còn thông tin, từ quá trình rà soát, hãng phát hiện chất Benzo(a)pyrene phát sinh từ thảo quả sấy khô, một loại nguyên liệu gia vị thô được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở ăn liền, chứ hoàn toàn không phát sinh trong bất kỳ công đoạn sản xuất sản phẩm nào của nhà máy Acecook Việt Nam.

Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao?

Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) được thành lập vào ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay, chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo đã trở thành đại gia đầu ngành FMCG tại Việt Nam với thị phần ở mức khoảng 50%.

Theo thống kê của Kantar Worldpanel năm 2019, 4 trên 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất tại nông thôn là mì gói.

Trong đó từ vị trí thứ 2 đến vị trí thứ 4 lần lượt là "3 miền" của Uniben, "Hảo Hảo" của Acecook, và "Gấu Đỏ" của Asia Foods. "Kokomi" nhãn hiệu mì giá rẻ của Masan xếp vị trí thứ 7.

Tại khu vực thành thị, chỉ duy nhất "Hảo Hảo" là nhãn hiệu mì gói nằm trong top 10, nhưng lại được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

Vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Acecook Việt Nam. (Nguồn: tổng hợp)

Với sự "ưa thích" của người tiêu dùng trên thị trường với Mì Hảo Hảo, cùng các sản phẩm khác như mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Mikochi hay miến Phú Hương..., Acecook Việt Nam ngày càng "ăn nên làm ra".

Thống số liệu tổng hợp, doanh thu thuần của Acecook Việt Nam tăng từ 7.882 tỷ năm 2015, lên 8.413 tỷ đồng (2016) lên 8.878 tỷ đồng (2017) rồi 9.828 tỷ đồng (2018) và cán mốc 10.647 tỷ đồng (2019).

Doanh thu này đều cao gấp nhiều lần các thương hiệu có tiếng khác như: Thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket) hay Vifon (đối tác cũ)…

Chưa có số liệu cập nhật cụ thể về tình hình kinh doanh của Acecook trong năm 2020, nhưng có thể dự đoán đây là một năm 'bội thu" của "đại gia" ngành mì này. Bởi tiêu thụ mì gói và các dòng sản phẩm ăn liền ở Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19, khi người tiêu dùng tích trữ thực phẩm và chuyển sang thói quen ăn ở nhà.

Thông tin từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tỉ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh Covid-19 là 67%.

Trước đó, theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, mỗi ngày doanh nghiệp ngày sản xuất tới 400.000 - 450.000 thùng sản phẩm, tương đương 12 triệu - 13 triệu gói.

Vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 4.

Tỷ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh Covid-19 là 67%. (Ảnh: Vietnambiz)

Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỷ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.

Top các nước ăn mì nhiều nhất thế giới năm 2020 là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (hơn 7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói), Mỹ (5,05 tỷ gói)….

Đáng chú ý, nếu tình theo bình quân đầu người thì Việt Nam đứng top 2 thế giới, mỗi người tiêu thụ bình quân hơn 72 gói mì/năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc (80,6 gói mì/người/năm), cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp 3 Mỹ.

Nếu tính về tỉ lệ tăng trưởng, trong năm 2020 người Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân tăng ăn mì, mức tăng trưởng gần 30% trong khi Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8% còn các nước khác chỉ tăng trưởng 1 con số.

Với doanh thu khổng lồ, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh, từ 920 tỷ đồng (2016) lên 1.115 tỷ đồng (2017), lên tiếp 1.382 tỷ đồng (2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (2019). Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 80%.

Nếu so với mức vốn điều lệ khoảng 300 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận của chủ thương hiệu mì Hảo Hảo cao gấp 35 lần và 5,5 lần.

Quy mô vốn chủ sở hữu của Acecook cũng nhanh chóng "phình to" qua các năm. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu đạt 7.096 tỷ đồng, tổng tài sản gấp 1,56 lần so với năm 2016, đạt 8.402 tỷ đồng.

Tham chiếu nhanh theo phương pháp P/E với một số doanh nghiệp tương đồng trên sàn chứng khoán cho thấy, mức định giá của Vina Acecook có thể đạt khoảng 1 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem