Từ vụ mì gói bị thu hồi, doanh nghiệp xuất khẩu cần rút kinh nghiệm gì?
Từ vụ mì gói Acecook bị thu hồi, DN xuất khẩu cần rút kinh nghiệm gì?
Thanh Phong
Thứ sáu, ngày 03/09/2021 16:19 PM (GMT+7)
Theo nhận định của chuyên gia, nhà quản lý, từ sau vụ việc sản phẩm mì gói Acecook bị thu hồi ở một số quốc gia, doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên rà soát, kiểm tra mọi khâu từ nhỏ nhất từ việc đóng gói.
Thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, cập nhật quy định nước nhập khẩu
Trong thời gian qua, một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng Etylen oxit (EO) khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điển hình như sản phẩm mì gói, miến của các doanh nghiệp như Acecook Việt Nam, Công ty thực phẩm Thiên Hương.
Trao đổi với Dân Việt về nội dung trên, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, những loại sản phẩm nói trên có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt, v.v.
Do đó, sản phẩm có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong các khâu từ rà soát chất lượng, làm việc với nhà cung cấp,…
"Kết hợp với bài học về hai nguyên liệu, phụ gia đa dụng bị phát hiện vi phạm dư lượng nhiều tại EU hiện nay là vừng và PGTP E410 (locust bean gum), có thể thấy, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu. Đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro. Đồng thời làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy", lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ nêu khuyến nghị với doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hòa cho hay, bên cạnh những nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng, đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đang được áp dụng, việc xây dựng các quy định còn được tham khảo, chuyển dịch chủ yếu từ hệ thống tiêu chuẩn, các khuyến nghị do Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Uỷ ban Codex) của Liên hiệp quốc ban hành. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên của Ủy ban Codex.
Đồng thời, việc tham khảo từ tiêu chuẩn Codex giúp các quy định tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa hóa với các tiêu chuẩn chung hiện hành trên thế giới. Qua đó, cho phép tiêu chuẩn an toàn áp dụng để bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam tương tự như các nước trên toàn thế giới, đồng thời đảm bảo công bằng trong thương mại thực phẩm toàn cầu.
"Hiện nay tương tự Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO cho phép trong thực phẩm. Trong khi đó, mức giới hạn dư lượng cho phép EO trong từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng, v.v…
Vì vậy, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.", lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Không vì cơ chế thông thoáng mà chủ quan
Liên quan đến các vụ việc nói trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, ngay sau khi sản phẩm mì gói Acecook bị thu hồi tại một số quốc gia, các ngành chức năng của Việt Nam như Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã vào cuộc để rà soát thị trường trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, ông Phú cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh chóng và có trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đặc biệt là người tiêu dùng cần hết sức bình tĩnh để có kết luận cuối cùng.
"Về phía nhà sản xuất cần nghiêm chỉnh thu hồi sản phẩm, ngừng ngay dây chuyền sản xuất nếu có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, tự kiểm tra một cách khách quan và xem xét thấu đáo để sớm tìm nguyên nhân. Bởi sức khỏe của người dân là vấn đề quan trọng nhất.
Các cơ quan có trách nhiệm cần sớm kiểm tra và làm rõ, công khai minh bạch xem sai đúng đến đâu? Trách nhiệm thuộc về ai theo đúng quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Người dân và doanh nghiệp luôn tin tưởng vào kết luận của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần bình tĩnh trong các phản ứng với các sản phẩm của doanh nghiệp, tiếp tục ủng hộ những sản phẩm đạt chất lượng vì đây là thương hiệu lớn được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Cũng theo nhận định từ phía chuyên gia Vũ Vinh Phú, từ vụ việc nói trên cho thấy, các thương hiệu sản xuất thực phẩm khác cũng phải rút ra kinh nghiệm trong việc tự kiểm tra, xem xét lại quy trình sản xuất của mình, không được chủ quan.
"Hiện Bộ Y tế có cho phép hậu kiểm các mặt hàng thực phẩm và đơn vị tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hàng hóa của mình. Tuy nhiên, không vì nhận được cơ chế thông thoáng trong sản xuất kinh doanh mà không làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp của mình.
Sự việc của Acecook vừa xảy ra là một bài học về việc giữ gìn những thương hiệu sản xuất lớn đang có uy tín và sự phát triển mạnh mẽ trên thị trường nội địa Việt Nam cũng như xuất khẩu đi các nước", chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.