Vượt khó để dạy nghề cho nông dân

Thứ năm, ngày 19/08/2010 19:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước nhu cầu học nghề của hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã có nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn về kinh phí, giảng viên... để mở các lớp dạy nghề.
Bình luận 0
img
Nhiều phụ nữ nghèo ở xã Thanh Minh, Tp. Điện Biên Phủ muốn được học nghề để có việc làm ổn định.

Khao khát được học nghề

Chị Lò Thị Thanh, nông dân xã Thanh Minh, huyện Điện Biên (Điện Biên) chỉ tay lên những cánh rừng bao quanh bản, xanh ngút tầm mắt: "Có rừng, có cỏ nhưng chúng tôi chưa biết cách chọn giống gia súc tốt, cách chăm sóc, nhân đàn và phòng trừ dịch bệnh. Vì thế dù được nhà nước quan tâm, tạo nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi nhưng nhiều hộ vẫn không dám đầu tư. Giá được học một khoá dạy nghề ngắn hạn về chăn nuôi chúng tôi mới dám mạnh dạn đầu tư".

Nhìn ra lợi thế tự nhiên của quê mình, bà Lù Thị Que ở xã Tuần Giáo (Tuần Giáo, Điện Biên) mong mỏi: Cứ đến mùa cây chít, cây lau nở bông là chúng tôi lại kéo nhau đi thu hái. Nhưng lấy về cũng chỉ bán lại cho các đại lý thu mua với giá 3-5 nghìn đồng/kg. Nếu biết làm chổi chít, biết dệt thổ cẩm bằng máy hiện đại, có thị trường đầu ra thì nông dân vừa có việc làm, lại có thu nhập cao hơn.

Chị Từ Tuyết Dung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhu cầu học nghề của nông dân Điện Biên hiện nay rất lớn, đa dạng, tập trung vào những lĩnh vực: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, trồng nấm, thâm canh cây trồng... Hội đã rất tích cực tuyên truyền, vận động, tìm vốn, mở lớp, đồng thời đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông).

Khó khăn sẽ được giải quyết

Trong năm 2010, Hội Nông dân Điện Biên đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ về đào tạo nghề cho nông dân tới năm 2013. Hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 800 - 1.000 nông dân.

Trong những nỗ lực dạy nghề cho nông dân, Điện Biên cũng gặp không ít khó khăn về vốn, giảng viên, điều kiện về ăn ở, sinh hoạt cho nông dân khi đến học nghề. Khó khăn hiển hiện trước mắt là bà con phải đi lại khá vất vả để đến lớp.

Vì vậy, tất cả các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân theo Quyết định 1956 đều được tổ chức tại chỗ. Hội đã giao cho Trung tâm Tư vấn hỗ trợ và giải quyết việc làm nông dân tỉnh mở 6 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi thú y, thủy sản cho 177 học viên nông dân xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) và xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Ngay sau đó, Hội tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương mở 3 lớp: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm chổi chít cho 300 hội viên tại xã Thanh Nưa, xã Noong Luống, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên).

"Năm nay chúng tôi chỉ có kinh phí để tổ chức 6 lớp dạy nghề ngắn hạn. Nhưng nhu cầu học tập của hội viên, nông dân rất lớn nên Hội chủ động phối hợp với các trường để xin thêm vốn mở các lớp dạy nghề...." - bà Từ Tuyết Dung cho biết thêm.

Cùng với việc tổ chức các lớp dạy nghề, Hội Nông dân Điện Biên còn tìm nhiều cách chuyển tải thông tin về học nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tới nông dân qua bản tin công tác hội, báo Nông thôn Ngày nay và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Nhờ vậy, hoạt động dạy nghề, học nghề nơi đây đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần giúp nông dân có "cái nghề trong tay" để thoát nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem