Được biết đầu năm 2012, các mặt hàng rau quả VN gặp trở ngại ở thị trường EU vì một số lô hàng gặp vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vậy chúng ta đã vượt qua được trở ngại đó như thế nào?
- Thời điểm đầu năm 2012, một vài lô hàng rau quả của VN bị phát hiện có dịch hại ở thị trường EU, và họ đã cảnh báo nếu có 5 lô hàng nữa bị phát hiện có các loại dịch hại thì họ sẽ cấm 5 mặt hàng XK gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng), ngò gai. Để chủ động phòng tránh những rủi ro ngoài ý muốn và giữ gìn hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam, Cục BVTV đã đề xuất với Bộ NNPTNT tạm dừng XK 5 loại này. Để tránh những sai sót tương tự, Cục BVTV đã đề nghị các DN XK phải tìm hiểu kỹ các thông tin về quy định kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Hiện nay các DN cũng đã ứng dụng những công nghệ cao sản xuất trong điều kiện không có dịch hại, đồng thời gắn với nông dân thành lập vùng nguyên liệu để có quy trình sản xuất theo VietGAP, hạn chế thuốc BVTV. Các DN đã có những giải pháp đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu khó tính.
Theo quan sát của ông, bạn hàng quốc tế đánh giá như thế nào về chất lượng rau quả Việt Nam?
- Họ đánh giá rau quả VN nhìn chung rất ngon, khi XK đi các nước đều đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, yêu cầu về ATVSTP. Năm vừa rồi, rau quả VN đã XK đi nhiều nước, về công tác ATVSTP đối với XK mình vẫn làm tốt theo thông lệ quốc tế. Trong năm 2013 công tác đó vẫn phải tăng cường để tạo uy tín cho rau quả VN trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo các DN phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tìm hiểu kỹ lưỡng các yêu cầu về XK ở những thị trường mới. Bộ NNPTNT kiên quyết ngăn chặn các DN không đạt yêu cầu XK để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam.
Để duy trì bền vững các thị trường XK truyền thống và mở rộng thị trường khác, các DN, cơ quan quản lý nhà nước cùng nông dân cần làm gì?
- Trong thời điểm này, tôi cho rằng việc tổ chức sản xuất rất quan trọng. Trong tổ chức sản xuất vai trò của DN rất lớn để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với nông dân. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò trọng tài hướng dẫn và đưa ra các chính sách hợp lý khuyến khích phát triển các vùng sản xuất rau quả sạch đảm bảo an toàn. Quy hoạch những vùng rau sản xuất theo quy trình VietGAP là hướng làm ăn bền vững và lâu dài. Những DN làm theo quy trình đó đều vượt qua giai đoạn khó khăn trong khủng hoảng.
Nguyễn Đình (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.