WHO cảnh báo nguy cơ 'khủng hoảng sinh học' lớn ở Sudan

Lê Phương (Aljazeera) Thứ tư, ngày 26/04/2023 09:22 AM (GMT+7)
"Một trong các bên tham chiến" đã giành quyền kiểm soát phòng thí nghiệm y tế công cộng trung tâm ở Khartoum và "đuổi tất cả các kỹ thuật viên".
Bình luận 0
WHO cảnh báo nguy cơ 'khủng hoảng sinh học' lớn ở Sudan - Ảnh 1.

Một nhân viên làm việc tại Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters

Các quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng một bên tham chiến trong cuộc xung đột ở Sudan đã nắm quyền kiểm soát một phòng thí nghiệm y tế quốc gia ở thủ đô Khartoum chứa vật liệu sinh học, gọi đây là một diễn biến "cực kỳ nguy hiểm".

Thông báo hôm 25/4 được đưa ra khi các quan chức cảnh báo rằng nhiều người tị nạn có thể chạy trốn khỏi Sudan bất chấp lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng đối địch.

Cuộc chiến đã đẩy Sudan vào hỗn loạn, đưa quốc gia châu Phi vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ đến bờ vực sụp đổ. Trước khi xảy ra đụng độ, Liên Hợp Quốc ước tính rằng 1/3 dân số Sudan - tương đương khoảng 16 triệu người - cần được hỗ trợ, con số này có thể sẽ tăng lên.

Tiến sĩ Nima Saeed Abid, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Sudan, bày tỏ lo ngại rằng "một trong các bên chiến đấu" – ông không xác định bên nào – đã giành quyền kiểm soát phòng thí nghiệm y tế công cộng trung tâm ở Khartoum và "đuổi tất cả các kỹ thuật viên".

"Điều đó cực kỳ, cực kỳ nguy hiểm vì chúng tôi có các chủng virus bại liệt trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi có phân lập bệnh sởi trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi có các phân lập bệnh tả trong phòng thí nghiệm", ông nói trong một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc ở Geneva. "Việc một trong các bên tham chiến chiếm đóng phòng thí nghiệm y tế công cộng trung tâm ở Khartoum mang lại rủi ro sinh học rất lớn".

WHO cho biết, việc trục xuất các kỹ thuật viên và cắt điện ở Khartoum đồng nghĩa với việc "không thể quản lý đúng cách các vật liệu sinh học được lưu trữ trong phòng thí nghiệm cho mục đích y tế".

Phòng thí nghiệm nằm ở trung tâm Khartoum, gần các điểm nóng của cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan với Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự phát triển từ Lực lượng Phòng vệ Nhân dân do chính phủ hậu thuẫn.

Hàng chục bệnh viện đã đóng cửa ở Khartoum và các nơi khác trên khắp đất nước do giao tranh và nguồn cung cấp nhiên liệu và y tế đang cạn kiệt, theo Tổ chức Bác sĩ Sudan.

"Nếu bạo lực không dừng lại, có nguy cơ hệ thống y tế sẽ sụp đổ", cơ quan của Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm 21/4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem