Xa quê nhớ mái tranh nhà

Bùi Việt Phương Thứ sáu, ngày 17/07/2015 09:38 AM (GMT+7)
Người Việt dẫu đi xa, làm ăn sung túc nhưng vẫn có một nẻo quê để tìm về. Đó là nơi ta sinh ra, vùng vẫy trong nước sông quê, trèo cành khế ngọt, hái trái nhãn thơm…
Bình luận 0
Cũng có khi, đó chỉ là nơi quê cha, đất tổ thiêng liêng ở cái gốc gác dòng tộc. Gặp nhau, sau khi biết tên tuổi là hỏi quê. Quê quan trọng hơn ngôi biệt thự, con phố sầm uất mà anh đang cư ngụ. Theo tháng năm, quê nhà cũng đổi thay không còn giữ được những nét xưa nhưng trong tâm thức vẫn là con đê mòn lối cỏ, cánh đồng thẳng cánh cò bay và mái tranh nghèo…
img

Mái tranh quê nhà (ảnh: BVP)

Mái tranh nghèo gắn bó với làng quê Việt bao đời. Gianh tre tự trồng, mọc nhanh và tạo nên sự thoáng mát trước khí hậu mùa hè. Nhưng trước những trận cuồng phong bão tố, mưa dài ngày cũng tiêu táp, bạc màu. Vậy mà, khi có những ngôi nhà xây kiên cố, những con đường bê tông hay trải nhựa, trước cái nóng của biến đổi khí hậu, người đô thị trong những đêm thao thức, những giấc ngủ không yên lại mơ về mái tranh ấm tình quê. Đâu phải vì đó là chất liệu chống nóng mà còn là sự thanh nhàn, yên ổn không phải bon chen, toan tính của phố thị.
Trên con đường làng bụi đỏ, dưới cái nắng hè năm ấy, tôi cùng bao người bạn trở về quê để tận hưởng một kì nghỉ hè. Cái nóng của phố phường dường như đã biến mất khi nhìn thấy những mái tranh màu xưa cũ thấp thoáng đầu làng. Đón chúng tôi vào nhà, bà nội  bảo cởi túi xách rồi ra giếng nước rửa mặt. Gầu nước mát trong được lấy từ lòng đất quê như tiếp thêm sức mạnh làm tôi thêm tỉnh táo. Bát nước vối quê với những nụ bé xíu với mùi thơm chân chất chẳng thể lẫn vào đâu.
Ngồi dưới mái tranh, ngước nhìn lên bầu trời thấy thời gian như đưa mình trở lại với ký ức làng quê Việt của ngàn năm trước. Người dân quê tôi lợp nhà rất khéo, từng lớp phên tranh gối lên nhau mà che chắn. Vào những ngày mưa, tôi thích thú ngắm những giọt nước trong vắt như ngưng kết những gì tinh khiết của đất trời trước khi rớt xuống sân gạch để trôi về vườn cam, ao cá. Cũng dưới mái tranh ấy, tôi được ngắm đàn cá rô rạch nước mưa rào, ngắm sắc cầu vồng 7 sắc sau mưa.

Vào những đêm trăng thanh, rút cây sáo trúc gài dưới mái hiên, thổi điệu sáo Cây trúc xinh  mà âm thanh như vang xa khắp đồng trên, xóm dưới. Tưởng như có thể chạm tới những gì thao thiết nhất trong tâm hồn mình. Chớm thu, lại khoác hành trang trở về thành phố, mái tranh dưới nắng thu vàng lặng lẽ như tiễn đưa một người thân xa quê, có một nỗi niềm khó nói thành lời.

Thế rồi, thời gian cứ mải miết với những lo toan, dự định. Trở về quê hương sau vài năm, thay bằng màu nâu cũ càng ấy là mái tôn, mái  phibrô xi măng khô cứng. Hỏi ra mới biết giờ chẳng còn ai đánh gianh lợp mái và đều muốn có mái nhà bền vững trước giông lốc ngày một mạnh hơn. Biết là vậy, nhưng trong bữa cơm tối nóng như đổ lửa hấp xuống từ những vật liệu chẳng xa lạ gì nơi phố phường chợt thấy nhớ mái tranh quê nhà đến lạ. Gần lắm và xa lắm, mới ngày nào còn đó mà giờ đây mãi mãi chỉ còn trong kỷ niệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem