"Xã thông minh" là gì? Và vì sao cần nhân rộng mô hình “xã thông minh” trên toàn quốc?
"Xã thông minh" là gì? Và vì sao cần nhân rộng mô hình “xã thông minh” trên toàn quốc?
M.Hiếu- Trần Hòe
Chủ nhật, ngày 12/12/2021 11:50 AM (GMT+7)
Tại hội thảo do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, các đại biểu khẳng định mô hình “xã thông minh” là mô hình điểm ưu việt, cần sớm nhân rộng trên toàn quốc.
Chiều ngày 11/12, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương (Bộ NNPTNT) phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo trực tuyến "Xây dựng mô hình thí điểm "xã thông minh" trong xây dựng NTM".
Phát biểu tại hội thảo, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết: Làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.
"Hội thảo lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm, định hướng xây dựng làng/xã thông minh ở Việt Nam; đề xuất tiếp cận, nội dung xây dựng làng/xã thông minh trong xây dựng NTM và thảo luận, thống nhất một số đề xuất về tên gọi, nội dung xây dựng "xã thông minh" trong xây dựng NTM", ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thí điểm xã NTM thông minh với mô hình "xã thông minh" kết nối dịch vụ đô thị thông minh ở Thừa Thiên Huế. Theo ông Nguyễn Đình Đức- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh". Mô hình được thực hiện thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
Hiện mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được nhiều điểm ưu việt. Đó là: Hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh, giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ…
Trình bày tham luận tại hội thảo, đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ về việc xây dựng quy trình thực hiện mô hình "làng thông minh" tại Việt Nam. Theo đó, các hợp phần chính của "làng thông minh" là thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, nguồn lực thông minh, dịch vụ thông minh.
Đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất một số các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thực hiện xây dựng "làng thông minh". Đó là các giải pháp về thông tin tuyên truyền, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thí điểm chuyển đổi số cấp xã tại hội thảo. Đơn vị này đề xuất đưa nội dung chuyển đổi số cấp xã vào Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, các đại biểu cũng được giới thiệu giải pháp về chuyển đổi số trong lấy ý kiến hài lòng của người dân tại tỉnh Hà Tĩnh và đánh giá đạt chuẩn NTM các cấp…
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia góp ý thêm cho mô hình "xã thông minh" kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo các đại biểu, việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của nước và thế giới, và mô hình "xã thông minh" ở Thừa Thiên Huế là mô hình điểm ưu việt, hiệu quả, cần sớm nhân rộng trên toàn quốc.
Các đại biểu khẳng định, việc xây dựng mô hình "xã thông minh" trong xây dựng NTM sẽ góp phần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ giáo dục... trong việc thử nghiệm các mô hình, sản phẩm, dịch vụ số cho cộng đồng. Từ đó, tạo giải pháp nền móng, thiết thực giúp từng bước chuyển đổi, nâng cao nhận thức, kiến tạo thể chế cho cấp xã trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số, hướng tới hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số.
Mô hình này hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã thông minh hơn. Qua đó đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet.
TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI
Vui lòng nhập nội dung bình luận.