Xã toàn đá trồng rau siêu sạch, siêu hút khách

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 09/02/2016 06:30 AM (GMT+7)
Gio An là xã thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị). Nơi đây có đất đỏ bazan màu mỡ nhưng khó sản xuất bởi mặt đất dày đặc các lớp đá, khối đá khổng lồ. Tuy nhiên, nhờ có nhiều đá cộng thêm nguồn nước sạch từ giếng cổ trên 5.000 năm đã giúp người dân nơi đây trồng được loại rau siêu sạch, siêu hút khách vào dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Loại rau siêu sạch được nhắc đến là xà lách xoong (người Gio Linh gọi là rau liệt). Nói rau siêu sạch bởi loại rau này chỉ sống được ở nơi sạch sẽ, có nguồn nước tự nhiên mát lành, lưu thông liên tục, khí hậu phải lạnh, có sương vào buổi sáng sớm. Đặc biệt, đáy ruộng càng nhiều đá thì rau liệt càng phát triển xanh tốt. Vì vậy, loại rau này thường được gọi là “rau trên đá”. Rau liệt không sống được trong môi trường nước bẩn, đất bùn. Đặc biệt, chỉ cần dính một chút thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học thì rau liệt sẽ úa vàng, thối rễ rồi chết trong vòng 24 giờ đồng hồ.

img

 Trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang xuống dốc thì rau liệt là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng bởi tính an toàn, siêu sạch 

Có mặt tại ruộng rau liệt của chị Phan Thị Thảo ở thôn Hảo Sơn (Gio An), chúng tôi mới biết được loại rau này sạch đến cỡ nào. Sau khi cày xới đất, chị Thảo phải đợi nước thật trong mới nhẹ nhàng thả rau giống xuống ruộng. Theo lời chị Thảo, ruộng trồng rau phải có độ nghiêng nhất định để nước lưu thông, chỉ cần một tí ứ đọng, nước bị vẩn đục thì cây rau sẽ úa vàng và thối rễ rồi chết. Bởi vì rau liệt sạch như vậy nên cung không đủ cầu, thương lái tìm về tận ruộng lùng mua. Người trồng rau không sợ thiếu đầu ra.

Gọi là xã toàn đá là bởi ở Gio An, đi đâu cũng gặp đá lổm nhổm từ trong nhà ra ngoài ruộng, từ mặt đất đến tận lòng sâu. Người dân muốn canh tác trước tiên phải dọn sạch đá bằng cách chẻ đá ra thành khối nhỏ để làm vật liệu xây dựng. Nơi đây, có nhà đào đến 3 cái giếng mới có nước dùng, bởi 2 cái giếng trước đào nửa chừng bỏ dở vì gặp khối đá quá lớn, không phá nổi.

img

Ở miền Trung, chỉ có xã Gio An mới trồng được rau liệt...

img

...Bởi nơi đây có nhiều đá, khi hậu thích hợp và nguồn nước trong lành từ giếng cổ 5.000 năm. 

img

Người dân xã Gio An đã chinh phục những tảng đá lớn để trồng rau liệt, mang về nguồn thu kinh tế cao

img

Rau liệt siêu sạch tốt tươi ở những nơi có nguồn nước chảy, lưu thông tiên tục.

img

 Đá và rau liệt là đặc sản ở vùng quê Gio An.

img

 Rau liệt ở Gio An cung cấp ra thị trường cả nước và đã trở thành thương hiệu

Ông Đoàn Văn Lợi – một đại gia trồng rau liệt thôn Hảo Sơn cho biết, mỗi mét vuông trồng rau liệt có thể thu được mỗi 40-60 bó/năm. Mỗi bó rau bán ở chợ có giá từ 5 đến 7 nghìn đồng. Mỗi mùa trồng rau (từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 2 âm lịch) thu hoạch từ 5-8 lứa. Sau mỗi mùa rau, nhiều gia đình như gia đình ông lãi trên 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Gio An - Hồ Xuân Hải cho biết, hiện trên địa bàn xã có trên 100 hộ trồng rau liệt với diện tích gần 10 héc ta. Trung bình mỗi sào rau liệt 500m2 người dân thu lãi 25-30 triệu đồng.

img

Nhờ trồng rau liệt, người dân xã Gio An có đời sống ổn định hơn.

Rau liệt có rất nhiều cách chế biến, như nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống và món đặc sản là rau liệt xào với thịt bò… Nhiều người ghiền ăn món rau liệt, lùng mua cho bằng được loại rau này. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, những người sành ăn đều dự trữ rau liệt vào tủ lạnh để nấu món đặc sản thịt bò xào rau liệt mời khách quý.

Ở Gio An có hệ thống 14 giếng cổ trên 5.000 năm tuổi được cho là của người Chăm để lại. Những khối đá lớn được sắp xếp theo hình thức bình thông để dẫn mạch nước ngầm trong lòng đất ra tạo nên giếng nước. Điều đặc biệt, giếng nước ở đây trong xanh, mát lành cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và thuận lợi cho việc trồng rau liệt. Dù hạn hán đến đâu thì nguồn nước giếng cổ vẫn không bao giờ cạn. Lý do vì sao thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra đáp án. Bởi nguồn nước đặc biệt này mà phụ nữ, đặc biệt là các thiếu nữ ở vùng đất này có nước da trắng hồng, quyến rũ.

Giếng cổ Gio An có dạng giếng có bể lắng và dạng có máng dẫn. Hệ thống giếng cổ Gio An có 14 giếng được đặt những cái tên rất chân quê gồm Giếng Côi, Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Gái 1, Gái 2, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai… gắn liền với chức năng của nó. Năm 2001, hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem