Xác định có việc xây dựng không phép tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp

Hồng Cẩm Thứ năm, ngày 31/03/2022 18:40 PM (GMT+7)
Công ty Cổ phần du lịch (CPDL) An Giang đã xây dựng mới hàng loạt công trình, hạng mục không phép; tự ý cải tạo các hạng mục chính tại các hang thuộc khu vực vùng I, Khu Di tích lịch sử quốc gia Đối Tức Dụp.
Bình luận 0

Chiều 31/3, thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: Thực hiện công văn của UBND tỉnh An Giang ngày 25/3 về việc lập đoàn khảo sát đánh giá tình hình dư luận tại “Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp”, Sở VHTTDL đã tổ chức đoàn công tác liên ngành khảo sát và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh An Giang.

Hàng loạt công trình, hạn mục xây dựng không phép tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp - Ảnh 1.

Hàng loạt sai phạm tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo báo cáo do ông Trương Bá Trạng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL ký gửi UBND tỉnh An Giang vào ngày 31/3, hiện nay Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp do Công ty CPDL An Giang quản lý, khai thác phục vụ du lịch (có thu phí vào cổng).

Trong thời gian quản lý, Công ty CPDL An Giang đã mở rộng quy mô, giải phóng mặt bằng với diện tích 2,6ha và thực hiện việc sửa chữa, xây dựng một số công trình trong khu vực di tích.

Theo đó, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp Công ty CPDL An Giang đã xây dựng hàng loạt những hạng mục, công trình không xin phép hồ sơ xây dựng.

Hàng loạt công trình, hạn mục xây dựng không phép tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp - Ảnh 2.

Hang “Hội trường C6, Công ty đã cải tạo mô hình cảnh cán bộ, chiến sĩ hội họp (tượng composite), bàn thờ ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Ảnh: Hồng Cẩm

Đó là xây dựng mới và cải tạo các hạng mục phụ trợ phục vụ khách tham quan và công tác quản lý điểm du lịch (nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp), gồm: 2 căn nhà gỗ bán đồ lưu niệm; văn phòng làm việc; phòng bán vé; các tiểu cảnh, trồng cây xanh; khu thú nuôi, trò chơi phục vụ du khách, bãi giữ xe khách; cải tạo, nâng cấp nhà hàng, nhà bếp và 2 hồ chứa nước; 4 khu nhà vệ sinh; nâng cấp hệ thống điện, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy. 

Cải tạo Nhà trưng bày truyền thống (nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp), trong đó bổ sung thêm các hiện vật gồm 48 khẩu súng, pháo các loại; đưa vào trưng bày xe tăng, xe Zip; cải tạo nhà Sa bàn thành nhà chiếu phim tư liệu.

Đặc biệt, đối với các hang di tích Đồi Tức Dụp, công ty đã thay cầu thang, lan can liên thông vào các hang tại một số hang đá "Hội trường C6", "Cơ quan Phụ nữ", "Cơ quan Tỉnh ủy"... và lót vạc một số điểm dừng chân trong các hang bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm màu trắng thay cho chất liệu gỗ trước đây. Các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt, sơn nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng (về chất liệu và màu sắc không phù hợp với tính chất di tích).

Hàng loạt công trình, hạn mục xây dựng không phép tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp - Ảnh 3.

Công ty CPDL An Giang cải tạo Nhà trưng bày truyền thống (nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp), trong đó bổ sung thêm các hiện vật gồm 48 khẩu súng, pháo các loại. Ảnh: Hồng Cẩm

Riêng hang “Hội trường C6 công ty đã cải tạo mô hình cảnh cán bộ, chiến sĩ hội họp (tượng composite), bàn thờ ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Các tượng cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục bộ đội, đầu đội nón tay bèo in tên khu du lịch Đồi Tức Dụp. Lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi và trong hang. 

Các tượng cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục bộ đội, đầu đội nón tay bèo in tên khu du lịch Đồi Tức Dụp; tại các hang đều lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi và trong hang.

Ngoài ra, Công ty CPDL An Giang còn xây dựng mới "Nhà tưởng niệm", trong đó có phù điêu. Công trình này chỉ được Sở Xây dựng cấp phép, chứ chưa có thỏa thuận của Bộ VHTTDL, theo quy định do đây là Di tích văn hóa cấp quốc gia.

Trước đó, khách du lịch đến tham quan phản ánh tại khu di tích để thùng công đức ở bàn thờ hang C6 và nhà tưởng niệm. Tuy nhiên, khi đoàn đến khảo sát, Công ty CPDL An Giang đã đưa các thùng công đức ra khỏi di tích.

Hàng loạt công trình, hạn mục xây dựng không phép tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp - Ảnh 4.

Trong các hang công ty lót vạc một số điểm dừng chân trong các hang bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm màu trắng thay cho chất liệu gỗ trước đây. Các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt, sơn nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng (về chất liệu và màu sắc không phù hợp với tính chất di tích). Ảnh: Hồng Cẩm

Sau khi khảo sát, đoàn kết luận tất cả những hạng mục xây dựng, cải tạo nêu trên Công ty CPDL An Giang chưa thực hiện đúng quy trình, xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa. 

Chính vì vậy, khi thực hiện các hạng mục này đã có những sai lầm về mặt chuyên môn trong lĩnh vực tu bổ, xây dựng công trình liên quan đến di tích lịch sử được xếp hạng. Việc này đã ảnh hưởng một phần đến ý nghĩa lịch sử của di tích. Việc phản ánh của dư luận là có cơ sở, cần được tiếp thu và khắc phục.

Sở VHTTDL cho biết, sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét quyết định, yêu cầu Công ty CPDL An Giang cam kết thời hạn khắc phục các sai phạm theo đề xuất của ngành chuyên môn; thực hiện thủ tục xin phép cải tạo, tu bổ di tích theo đúng quy trình, quy định hiện hành.

Trước đó, điểm tham quan điện Mặt Trời An Hảo (huyện Tịnh Biên) do Công ty CPDL An Giang quản lý chưa đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch nhưng công ty vẫn treo biển hiệu khu du lịch để đón khách.

Để tránh hiểu nhầm cho người dân và du khách, Sở VHTTDL An Giang đề nghị công ty không treo biển hiệu khu du lịch khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch, công bố, niêm yết giá vé tham quan theo đúng quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem