Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh: “Visa” xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Nguyễn Ngọc Sơn Thứ ba, ngày 21/06/2022 08:00 AM (GMT+7)
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là mấu chốt để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững. Đây cũng là điều kiện tiên quyết cho sản phẩm chăn nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập.
Bình luận 0

Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh: Điều kiện để hội nhập

Trong chăn nuôi, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm động vật trong vùng an toàn dịch bệnh khi xuất bán được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch. Đây là lợi thế rất lớn khi mà diễn biến dịch bệnh động vật hiên nay đang phức tạp.

Ngoài ra, còn được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh: “Visa” xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi - Ảnh 1.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học góp phần mang lại lợi ích bền vững cho người chăn nuôi. Ảnh: Cao Thắng

Mới đây, Bộ NNPTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành chăn nuôi ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn tham gia tốt thị trường xuất khẩu, ngành chăn nuôi phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh, xây dựng những thương hiệu lớn với chuỗi liên kết trọn gói các khâu từ con giống, chăn nuôi,…

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong khi, việc triển khai vùng an toàn dịch bệnh ở nước ta còn khá khiếm tốn. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước mới có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Riêng với Hà Nội, mặc dù đứng top đầu cả nước về chăn nuôi nhưng hiện mới có 4 vùng an toàn dịch bệnh dại, duy trì 38 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Do đó, hiện nay xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn khá hạn chế.

Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là rất cần thiết, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh trên vật nuôi tiếp tục có những diễn biến phức tạp mà còn để hướng đến một nền chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai còn rất nhiều vướng mắc. Bởi tình trạng chăn nuôi của nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Do đó, việc theo dõi giám sát lưu hành vi khuẩn, virus gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát. Công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm trong chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở mỏng, nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ còn gặp nhiều khó khăn.

Một rào cản không nhỏ nữa đến từ nguồn kinh phí triển khai. Do phải bố trí kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm đối với các loại bệnh khi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nên các tỉnh, thành chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh không thuộc tiêu chí bắt buộc đối với cơ sở, nên chưa khuyến khích được tổ chức, cá nhân thực hiện.

Cùng với đó, kinh phí xét nghiệm hàng năm đối với cơ sở an toàn dịch bệnh (nhất là các trang trại lớn) còn cao nên nhiều cơ sở đã không duy trì khi không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay các cơ sở còn phải thực hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận điều kiện chăn nuôi đồng nghĩa với việc thực hiện cả hai loại thủ tục hành chính về điều kiện chăn nuôi và an toàn dịch bệnh.

Theo đó, để nhân rộng mô hình an toàn dịch bệnh, các địa phương cần quy định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh, tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch, xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE.

Song song đó, cần tăng cường quản lý chăn nuôi trong vùng bảo đảm an toàn dịch bệnh và giai đoạn đầu chủ động phòng bệnh bằng vaccine. Tổ chức chủ động giám sát chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại các vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, duy trì hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực thú y các cấp để bảo đảm tổ chức xây dựng thành công, quản lý và duy trì có hiệu quả vùng an toàn dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem