Xây dựng “người cha trách nhiệm” giúp thay đổi quan điểm trọng nam khinh nữ

Thùy Anh Thứ hai, ngày 12/12/2022 15:32 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên một dự án can thiệp tới nam nông dân, giúp họ thay đổi nhận thức, thêm yêu vợ con và trở thành nòng cốt trong công cuộc phát động "nói không với trọng nam khinh nữ", không lựa chọn giới tính khi sinh.
Bình luận 0

Ưu tiên truyền thông nam nông dân, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

Đây là thông tin được bà Phạm Thu Hương - Đại diện Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ về việc thực hiện mô hình "người cha trách nhiệm" nhân Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông sáng tạo nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới ngày 12/12 tại Quảng Ninh.

Hiện mô hình hiện được thí điểm tại 3 tỉnh là: Bà Rịa Vũng Tàu; Bắc Giang; Quảng Bình. Dự kiến sắp tới triển khai ở: Bắc Ninh; Đà Nẵng; Lâm Đồng.... 

Mục tiêu là thông qua mô hình dự án để thay đổi hành vi nhận thức của người chồng với vợ con, qua đó giúp người chồng chăm sóc vợ con, chia sẻ cảm xúc với con, lắng nghe thấu hiểu con, coi trọng con trai cũng như con gái.

mất cân bằng giới tính khi sinh

Bà Phạm Thu Hương - Đại diện Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ về dự án "người cha trách nhiệm". Ảnh: NN

"Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới Việt Nam vẫn rất cao. Nam giới đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, vì thế việc tác động tới nam giới sẽ giúp thay đổi nhận thức của nam giới với vấn đề bất bình đẳng giới", bà Hương nói.

Thông qua chương trình, dự án cung cấp giúp các anh các kỹ năng: xử lý bạo lực, kỹ năng chăm sóc yêu thương vợ con...

Để huy động nam giới tham gia, cán bộ dự án phải chỉ ra cho các ông chồng lợi ích thiết thực khi họ thay đổi hành vi. Chỉ khi "đánh" trúng tâm lý của họ thì mới kéo họ tham gia chương trình được.

"Thành công của dự án là đưa ra được cách thức tiếp cận sáng tạo gần gũi, xuất phát từ mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng. Từ đó cung cấp kiến thức, kỹ năng vừa tầm giúp họ thực hiện mong muốn đó", bà Hương nói.

Ngoài ra, chương trình thực hiện truyền thông lồng ghép. Giúp nam giới tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến nông khuyến lâm... từ đó tạo sự gắn kết, duy trì sự tham gia của nam nông dân một cách lâu dài.

Nhiều hệ lụy nếu mất cân bằng giới tính khi sinh

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỷ suất giới tính tăng lên 109,8 và tỷ số này là 112 năm 2021.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2006 có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc.

mất cân bằng giới tính khi sinh

TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) chia sẻ về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: NN

"Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất và cao hơn hẳn ở những lần sinh sau với những gia đình chỉ có con gái và đặc biệt cao ở nhóm cha mẹ có ít nhất hai con gái và không có con trai có ước tính tỷ suất giới tính khi sinh cao nhất. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả", ông Hoàng nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, chuyên gia dân số cho rằng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ (xuất hiện ngay từ khi chuẩn bị kết hôn; khi kết hôn; khi chung sống; khi có con; thậm chí cả khi qua đời). Tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.

Nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính (Trước khi thụ thai; Trong khi thụ thai; Sau khi thụ thai).

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia bị tình trạng này. Một số quốc gia châu Á đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh, ví dụ như: Trung Quốc, Ấn Độ.

Xét về cấp độ xã hội, sẽ dư thừa hàng triệu nam giới hay nói cách khác là thiếu hụt phụ nữ và trẻ em gái; đàn ông phải sống độc thân sẽ bị thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hóa dân số.

Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu tỷ suất giới tính khi sinh vẫn giữ như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

Về chuẩn mực xã hội, vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, thậm chí phụ nữ còn trở thành hàng hóa của nạn buôn bán người và mại dâm.

Như vậy, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế…

Bà Hà Thị Quỳnh Anh - Chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA gợi ý, để giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, đi sâu thay đổi hành vi cụ thể đó là "không ưa thích con trai" và tập trung vào nâng cao giá trị của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem