Xây dựng thương hiệu nông sản sạch: Chờ DN "bắt tay" nông dân

Nguyễn Quỳnh Thứ bảy, ngày 13/10/2018 15:09 PM (GMT+7)
Nhiều kinh nghiệm hay, thiết thực đã được các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh nông sản sạch chia sẻ tại Diễn đàn xây dựng thương hiệu nông sản sạch tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 11-12.10.
Bình luận 0

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, với sự tham dự của 235 đại biểu là lãnh đạo Bộ NNPTNT, đại diện Sở NNPTNT và các đơn vị liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đông đảo nông dân 5 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Từ kinh nghiệm hay của Vĩnh Phúc

img

Các đại biểu tham quan khu trưng bày nông sản sạch tỉnh Vĩnh Phúc.  Ảnh: N.Q

Diễn đàn này góp phần mở ra cơ hội để các nhà sản xuất gặp gỡ được các đơn vị phân phối, cơ sở bếp ăn để tiêu thụ nông sản, từ đó thiết lập các chuỗi cung ứng nông sản an toàn có chất lượng, bền vững, song song với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, cũng như nâng cao ý thức của nhiều khâu tham gia chuỗi cung ứng…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm gần đây ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh liên tục có những bước tiến nổi bật, tốc độ tăng trưởng đều.

Tuy nhiên ở một số địa phương, sản xuất của bà con vẫn ở quy mô nhỏ; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến còn hạn chế, khả năng kết nối với thị trường còn nhiều khó khăn... Do đó, tỉnh đã đưa ra các chiến lược về tổ chức sản xuất, đồng thời ban hành các chính sách ưu tiên cho sản xuất, phân phối, tiếp thị nông sản.

Nhờ sự quan tâm đầu tư đúng hướng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo lợi thế của địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như vùng chăn nuôi lợn, vùng trồng thanh long ruột đỏ, rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng...

Những sản phẩm nổi tiếng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi ngày có thể kể đến dưa chuột An Hòa (Tam Dương); thanh long ruột đỏ Lập Thạch; su su Tam Đảo; bí đỏ Vĩnh Tường; chuối tiêu hồng, cà chua Yên Lạc; súp lơ Lập Thạch; rau ăn lá Vĩnh Tường… Giá trị thu nhập của các loại rau này cao hơn 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong 1-2 năm tới phải đạt 3.200ha rau an toàn, trong đó diện tích chuyên canh là 3.600ha, diện tích luân canh là 800ha.

“Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản sạch trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, cung cấp khối lượng hàng hóa lớn cho các siêu thị, bếp ăn tập thể các tỉnh thành lân cận, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cũng như tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp” – ông Dũng cho biết.

Kết nối từ sản xuất đến người tiêu dùng

Theo báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác.

Các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới qua các thương hiệu nước ngoài. Điều này thể hiện sự yếu kém, thua thiệt lớn của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Gần đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng chỉ dẫn địa lý và có trang thông tin nông sản nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản. Đây là nơi để các DN, HTX sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về nông sản sạch, an toàn. Nhà sản xuất có chỗ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, người tiêu dùng qua đó cũng có thể tìm và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm sạch với độ tin cậy được bảo đảm.

Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, thực trạng phát triển ngành nông nghiệp nước ta trong những năm qua chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phương thức nông hộ, mạnh ai người ấy làm, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ dưới dạng sơ chế, không có nhãn hiệu, ít có sự liên kết tổ chức sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với thị trường.

“Những điều này bản thân người nông dân không thể làm được mà cần có vai trò chủ lực của DN. Cần có sự “bắt tay” của DN với nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm...” – ông Khởi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem