Trong khi các loại rau, củ, quả đang giảm giá thê thảm, thì rau su su sạch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vẫn giữ được giá. Mỗi hécta su su cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm... Nhưng, đến nay sản phẩm nổi tiếng này vẫn chưa có thương hiệu của riêng mình.
Nhà nhà trồng su su
|
Người dân thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cắt ngọn su su bán cho khách du lịch. |
Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Tam Đảo được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Nhờ đó su su - cây ưa lạnh đã trở thành cây trồng chính ở đây. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, cây su su đã bén rễ ở Tam Đảo từ lâu, nhưng khi đó chủ yếu người dân trồng để ăn, chứ chưa thành cây hàng hóa như bây giờ. “Năm 2003, Tam Đảo có khoảng 6ha su su và hiện nay khoảng 300ha, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn ngọn và 1.600 tấn quả/năm, giá trị đạt khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/năm"”- ông Hùng cho biết.
Su su ở Tam Đảo khác cả thời vụ, lẫn hương vị, chất lượng của ngọn và quả so với su su trồng ở các nơi khác. Nếu ở những nơi khác, su su chỉ trồng được 1 vụ, thì ở Tam Đảo su su được trồng quanh năm; ngọn, quả có thể luộc, xào, làm nộm... xanh, giòn, vị ngọt, rất ngon. Cứ gần 1 tuần người dân lại hái ngọn một lần, sau 1 tháng thì bón thêm phân giúp su su ra ngọn, kéo dài thời gian sinh trưởng (su su ở Tam Đảo chủ yếu lấy ngọn là chính).
Ông Nguyễn Duy Hoạt - Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho hay: “Toàn thị trấn có khoảng 250 hộ trồng su su, với diện tích khoảng 200ha, nhiều hộ có đến 2 - 3ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trồng su su đầu tư ít, nhưng thu lâu dài, cây lại rất ít bị sâu bệnh, nên dường như không tốn tiền thuốc bảo vệ thực vật”.
Anh Nguyễn Xuân Hiền - một trong những hộ đầu tiên trồng su su ở Tam Đảo tâm sự: “Những năm trước, người dân chủ yếu trồng su su lấy quả, vài năm gần đây, ngọn su su trở thành rau sạch, được nhiều người lựa chọn, nhờ đó mà giá trị cũng được nâng lên. Hiện tôi trồng 2ha, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng/năm”.
Cần xây dựng thương hiệu bảo hộ
Những năm gần đây, hầu hết du khách đến Tam Đảo khi về đều mua ngọn, quả su su về làm quà. Thậm chí không ít du khách mua mỗi lần hàng chục kg...
Mặc dù ngọn, quả su su Tam Đảo ngon nổi tiếng là thế, nhưng một điều khiến lãnh đạo và người dân nơi đây lo lắng, là nó vẫn chưa được đăng ký bảo hộ sản phẩm. Có lẽ cũng chính vì lý do này, mà giá trị của cây su su ở Tam Đảo đem lại chưa thực sự xứng tầm với những gì nó có.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng thừa nhận, ngoài việc đăng ký bảo hộ sản phẩm, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về su su Tam Đảo vẫn còn hạn chế. Vì vậy, mới chỉ số ít người biết đến khi đi du lịch Tam Đảo. “Hiện ngọn, quả su su Tam Đảo đã được đưa đi tiêu thụ ở hầu khắp các thành phố lớn ở miền Bắc, nhưng chủ yếu là do các thương lái tự làm, chứ chưa có một chiến lược phát triển sản xuất, phân phối cụ thể” - ông Hùng bày tỏ.
Theo nhiều người dân ở đây, nếu xây dựng thương hiệu, chỉ cần tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách bón phân, thời gian thu hoạch, bảo quản... một thời gian ngắn chắc chắn sẽ thành công. Khi đó giá su su sẽ có thể đạt khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg, chứ không phải 7.000 - 8.000 đồng như bây giờ.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.