Nhìn các khán giả nhí cười ngả nghiêng, thậm chí đối thoại tương tác với các nhân vật trên sân khấu đã cảm nhận phần nào sự thành công của vở rối ở những suất đầu tiên. Với vở rối Đi phượt cùng bà lão đánh cá, các nghệ sĩ đã xoá đi quan niệm dựng dễ dãi khi có chương trình diễn cho thiếu nhi.
Vở rối “Đi phượt cùng bà lão đánh cá”.
Làm mới những câu chuyện cổ tích bằng rối
Vẫn là những nhân vật quen thuộc trong những câu chuyện cổ tích hay truyện của thiếu nhi nhưng các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã Việt hoá bằng cách tạo dựng tình tiết, ngôn ngữ và cả tạo hình cho gần gũi với khán giả VN. Với sự kết hợp mới lạ, hài hòa giữa nhiều thể loại múa rối cùng những tình tiết kịch đầy dí dỏm, hài hước xoay quanh hai nhân vật chính: vợ chồng ông lão đánh cá và con cávàng, câu chuyện cổ tích cũ được dàn dựng với những tình tiết mới đầy hấp dẫn.
Khán giả và các em nhỏ sẽ được chiêm nghiệm một bà lão khi đi hết từ yêu cầu nọ sang yêu cầu kia với chú cá vàng khi được ông lão đánh cá thả xuống biển. Khán giả cũng sẽ được du ngoạn ngay trên sân khấu múa rối tới vùng đất Ba Tư huyền thoại qua vũ điệu quyến rũ của các vũ nữ, gặp gỡ nhân vật Thần đèn với những màn ảo thuật biến hóa huyền bí đầy mê hoặc. Du ngoạn tới vùng đất châu Phi với những tán cây khổng lồ, những bụi xương rồng rực rỡ đầy gai góc và những màn nhảy múa sôi động của thổ dân và của những chú đà điểu vô cùng sinh động.
Với cách trình diễn hấp dẫn và hài hước, con rối đa dạng sinh động đầy màu sắc, vở rối mới Đi phượt cùng bà lão đánh cá cho thấy sự kì công đầu tư dàn dựng của Nhà hát Múa rối VN đối với chương trình phục vụ thiếu nhi vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6 và dịp hènày. Điều này rất khác với việc dàn dựng cẩu thả, chắp vá và diễn theo thời vụ của không ít những chương trình dành cho thiếu nhi trên thị trường hiện nay.
Dàn dựng chương trình, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối VN chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng tôi lại nghĩ rằng làm chương trình phục vụ cho thiếu nhi có thể dễ dãi mà với những chương trình như thế chúng tôi lại càng phải đầu tư từcông sức cho tới kinh phí dàn dựng. Với các cháu thiếu nhi lớn và có phông văn hoá tốt chúng sẽ có quyền được lựa chọn. Chúng tôi là những người làm nghệ thuật đầu tiên tiếp xúc với các cháu, vì vậy việc định hướng thẩm mỹ vô cùng quan trọng. Phải làm thật hay, thật tốt để phục vụ cho bất kỳ đối tượng khán giả nào kể cả thiếu nhi là để thể hiện sự trân trọng nghề, trân trọng khán giả. Đây là mục tiêu của nghệ sĩ Nhà hát Múa rối VN”.
Hậu trường của Đi phượt cùng bà lão đánh cá
Đi phượt cùng bà lão đánh cá, khán giả có cơ hội ngao du cùng “bà lão” tới các châu lục như châu Á, châu Phi, châu Âu… Ở mỗi địa danh lại được gặp gỡnhững nhân vật, những con thú quen thuộc của địa phương cho tới cả những câu chuyện cổ tích. Có rất nhiều con rối được tạo hình khá thú vị như những con đà điểu xuất hiện ở châu Phi hay món ăn ngỗng quay cho “bà lão” thưởng thức.
Họa sĩ tạo hình và trang trí sân khấu Ngô Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đã rất kì công với việc tạo hình cho các nhân vật trong vở. Ví dụ như con đà điểu trước đây nhà hát chỉ diễn bằng rối cổ điển nghệ sĩ điều khiển bằng chân thì nay phải kết hợp được việc điều khiển con rối cả chân, cả đầu, thậm chí là phải làm sao để chú đà điểu còn phải cõng được cả người thật... Hoặc như tạo hình con ngỗng quay trên đĩa cũng phải đáp ứng sao thật hấp dẫn ngay từhình thức cho tới khi món ngỗng quay được mang ra phải điều khiển được cả các khớp từchân cho đến cánh, để mỗi khi âm nhạc cất lên thi con ngỗng quay trên đĩa cũng nhảy múa sinh động không chỉ một mà đòi hỏi cả hai diễn viên cùng tham gia điều khiển. Có những con rối đã tạo hình xong nhưng khi lên sân khấu trước ánh sáng lại không đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn và phải làm lại để tạo hiệu ứng cao”.
Có thể thấy nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối VN khá đa năng, họ không chỉ điều khiển con rối một cách điệu nghệ mà họ vừa biết hát, biết múa, biết thoại và thậm chí là tham gia tạo hình từng con rối do họ thể hiện. NSƯT Vũ Thế Khiển chia sẻ: “Phải là người rất yêu trẻ em mới có thể tìm ra những tình tiết diễn gần gũi và hấp dẫn các em. Đánh đông dẹp bắc phục vụ khán giả khắp năm châu nhưng cứ đến dịp Quốc tế Thiếu nhi và những tháng hèlà chúng tôi lại háo hức để được tham gia các chương trình phục vụ các em nhỏ.
Có thể nhận thấy rất rõ qua cách dàn dựng Đi phượt cùng bà lão đánh cá, Nhà hát Múa rối VN đang đi theo xu hướng hài kịch trong múa rối. Vở diễn đã tạo nên sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ bằng sự kết hợp biểu diễn đa dạng khi là người diễn kịch nói, khi là con rối diễn và khi là sự hoán vị giữa người và rối trong cùng nhân vật trên sân khấu. Điều này đã tạo cho vở diễn mang một màu sắc rất riêng mà chỉ có nghệ thuật múa rối mới có thể làm được. Lịch biểu diễn của vở Đi phượt cùng bà lão đánh cá vào: 20h30 ngày 26.5, 9h các ngày 29.5 và 1.6.
Hiền Lương (baovanhoa.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.