Ngày 17.2, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xử vụ tham ô, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) với phần thẩm vấn bị cáo Giang Kim Đạt và bị cáo Giang Văn Hiển, cha Đạt. Đáng chú ý, lời khai của hai cha con Đạt tại tòa liên quan đến số tiền gần 16 triệu USD (tương đương hơn 260 tỉ đồng) chuyển vào tài khoản của cha Đạt hoàn toàn mâu thuẫn nhau.
“Chỉ là hoa hồng, nếu sai thì nộp lại”
Theo cáo trạng, tháng 7.2006, cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua ba chiếc tàu Vinashin Summer, Vinashin Phoenix, Vinashin Island và các bị cáo đã hưởng hoa hồng hơn 711.000 USD (tương đương 11,4 tỷ đồng).
Tại tòa, Giang Kim Đạt cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo không đúng, số tiền anh ta nhận không phải là hoa hồng mà là “lệ phí môi giới”. Theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng 1%-5,75% hoặc hơn, tùy theo thỏa thuận giữa bên bán tàu và môi giới. Sau khi Đạt đặt vấn đề “xin một ít”, bên môi giới đã chuyển số tiền này để “thưởng cho bị cáo”.
Đạt cũng cho rằng đây là nguồn tiền hợp pháp. “Bị cáo nghĩ đơn giản bị cáo làm môi giới, người ta cho bị cáo thôi” - Đạt cho hay. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của cha mình, theo như lời Đạt là để “cho bố bị cáo”.
“Nếu tiền này không hợp pháp thì bị cáo đã chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo rồi” - Đạt lập luận.
Trong một diễn biến liên quan, HĐXX thẩm vấn về hành vi chiếm đoạt tiền chênh lệch giá cước cho thuê chín tàu biển của Vinashinlines. Theo cáo trạng, tổng số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê chín tàu chuyển về tài khoản của bị cáo Giang Văn Hiển là trên 15 triệu USD (tương đương trên 249 tỷ đồng). Đạt cho rằng việc đàm phán giá cước hoàn toàn công khai, đúng giá thị trường, khoản tiền cha bị cáo nhận được là do bị cáo làm môi giới thương mại, không phải là tiền cước hay gửi giá.
HĐXX hỏi lý do vì sao tiền hoa hồng cho thuê chín con tàu đều chuyển về tài khoản của cha, Đạt đáp: “Bị cáo cho bố. Bị cáo chưa lấy một đồng nào từ đó”.
Đạt khai bị cáo có nhiều tài khoản ở nước ngoài, khi giao dịch thường sử dụng các tài khoản mở ở Singapore, Hàn Quốc... Bị cáo cũng có nhiều tài sản ở nước ngoài, trong đó có hai căn nhà trị giá gần 10 triệu USD ở Singapore. “Việc này dễ chứng minh vì mua từ thu nhập đóng thuế đàng hoàng của bị cáo” - Đạt khai tại tòa.
“Bị cáo không ý thức được việc làm của mình là sai, bị cáo nghĩ hoa hồng đó là khoản bị cáo đương nhiên được hưởng. Nếu theo pháp luật là sai, bị cáo xin tự nguyện nộp lại. Xin HĐXX đánh giá lại tài sản của bị cáo và ủy quyền cho em gái bị cáo ở Singapore giải quyết việc này” - Đạt nói.
Giang Kim Đạt và cha - Giang Văn Hiển tại tòa. Ảnh: Đức Minh
Cha phủ định lời khai của con
Trong khi đó, bị cáo Giang Văn Hiển (bị truy tố về tội rửa tiền) đã xin thay đổi toàn bộ lời khai tại CQĐT. Bị cáo Hiển khai việc mở 22 tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng vào khoảng giữa năm 2006 là do bị cáo tự mở, không phải như lời khai tại CQĐT là do Đạt nhờ.
Bị cáo Hiển cũng khai số tiền gần 16 triệu USD nói trên được chuyển vào các tài khoản này là do bị cáo làm môi giới mua tàu và vận tải nên đối tác nước ngoài chuyển. Nghe chủ tọa dẫn lại lời khai của Đạt trước tòa, bị cáo Hiển nói: “Riêng về tiền, tôi bác toàn bộ lời khai của con trai tôi”.
Bị cáo Hiển khai mình về hưu năm 2001, trước khi về hưu làm ở một công ty thành viên ở Tổng Công ty Hàng hải VN (nhưng không nhớ tên cụ thể). Khi về hưu làm thêm về bất động sản, không mở công ty, chủ yếu chỉ làm môi giới, ngoài ra cũng có mua đi bán lại.
Bị cáo Hiển cũng khai mở 22 tài khoản ngoại tệ với mục đích giao dịch với nước ngoài. “Bị cáo chỉ môi giới bất động sản trong nước, mở tài khoản ngoại tệ làm gì?” - thẩm phán hỏi. “Không, tôi còn làm môi giới hàng hải” - bị cáo Hiển đáp và khai đã giới thiệu cho con trai một đối tác ở Singapore; khoản tiền 15 triệu USD là thù lao nhận được. HĐXX chỉ ra điểm bất hợp lý khi chỉ giới thiệu một người, tiền thù lao môi giới nhận được là 15 triệu USD, bị cáo Hiển xác nhận “đúng” và khẳng định lời khai của mình là chắc chắn.
Về lý do thay đổi lời khai, bị cáo Hiển nói: “Ở CQĐT, tôi bị huyết áp cao, thần kinh không ổn định. Sau khi bị bắt tôi rất sốc. Có hai cán bộ đến vào một buổi chiều, nói phải khai theo ý họ thì tôi sẽ được tự do. Từ đó cán bộ bảo sao tôi làm thế, bản tường trình cũng là họ đọc sao tôi viết vậy. Cán bộ đó là ai thì lâu tôi quên rồi”.
Lương hưu 6 triệu, nhà vài chục căn (?)
Phủ nhận cáo buộc rửa tiền, bị cáo Giang Văn Hiển cho rằng tiền do ngân hàng Mỹ gửi, tiền này được chuyển qua NHNN Việt Nam, ở đó có Cục Phòng, chống rửa tiền. Hơn nữa, cả Mỹ và Việt Nam đều có phần mềm để xác định nguồn gốc tiền... “Đó là nguồn tiền sạch, tôi rút tiền ra mua bất động sản, đăng ký đàng hoàng, đến nay chưa bán cái nào” - bị cáo nói.
HĐXX thống kê danh sách 40 bất động sản Hiển đã mua, theo tài liệu của CQĐT. Bị cáo cho biết trong số này có ba bất động sản không phải của bị cáo. Bị cáo này cũng khai số tiền gần 16 triệu USD nhận được bị cáo dùng 200 tỉ đồng mua bất động sản ở quận 3 TP.HCM (12 căn); dùng 48 tỉ đồng mua bất động sản ở Nha Trang; một số bất động sản khác bị cáo mua bằng… tiền tích lũy được. Bị cáo phủ nhận cáo buộc mua ba chiếc ô tô từ nguồn tiền này và khẳng định xe được mua bằng tiền bị cáo tích lũy.
Tòa vặn: “Lương hưu bị cáo 5-6 triệu đồng/tháng, tiền đâu bị cáo mua nhiều bất động sản thế?”. Bị cáo Hiển: “Tiền tôi làm ăn rất lâu rồi. Tôi có rất nhiều tiền, mỗi tháng tôi còn dùng 8 triệu đồng để mua thuốc tiểu đường nữa là”. “Làm ăn rất lâu tại sao không mua ngay?” - tòa hỏi. “Vì ông thầy nói với tôi phải ngày ấy, tháng ấy, năm ấy mới mua được nhà”.
Khi luật sư hỏi vì sao cần phải mở nhiều tài khoản thế, bị cáo Hiển đáp: “Luật sư không hiểu à? Mở nhiều tài khoản để thông đồng bén giọt, mọi giao dịch dễ dàng”.
Hôm nay (18.2), tòa tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan...
Không hợp đồng lao động nhưng làm nên… đại án
Diễn biến đáng chú ý trong phiên xử sáng 17.2, luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt tập trung xét hỏi làm rõ Đạt có đáp ứng các điều kiện về chủ thể tội tham ô tài sản hay không. Theo luật sư, chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Trong khi đó, Đạt khai trước khi vào Vinashinlines, Đạt làm đại lý chuyên môi giới kinh doanh hàng hải. Đạt ra Hà Nội làm theo lời mời của bị cáo Liêm, “đi theo cắp cặp cho anh Liêm”. Cụ thể, tháng 2.2006, Đạt ra Hà Nội làm việc với chức danh trợ lý giám đốc. Đạt không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. Lý giải việc này, Đạt cho hay bản thân không có bằng đại học nên không thể ký hợp đồng với Vinashinlines. Cũng theo Đạt, quá trình làm việc, anh ta cũng chỉ nhận lương vài lần.
Quãng thời gian trong hơn hai năm từ tháng 2.2006 đến tháng 5.2008, Đạt ba lần vào làm việc/nghỉ việc tại Vinashinlines. Tuy nhiên, Đạt khẳng định không đặt bút ký bất cứ hợp đồng lao động nào với Vinashinlines.
Đạt cũng khai khi mua hai con tàu đầu tiên, Đạt tham gia với tư cách là cán bộ Phòng khai thác 2 chứ không phải là quyền trưởng phòng.
Hưởng lợi 711.000 USD, cho sếp 150.000 USD
Tại tòa, Giang Kim Đạt khai việc trích lại hoa hồng từ việc mua tàu và cho thuê tàu, bị cáo hoàn toàn không báo cáo bị cáo Liêm. Sau khi bên môi giới chuyển tiền cho Đạt, Đạt đưa cho Liêm 150.000 USD. “Lúc đó, bị cáo nói đây là khoản môi giới được hưởng, họ trích ra cho em, em cho anh”.
“Tại sao bị cáo nhận được 711.000 USD (tương đương 11,4 tỷ đồng) mà chỉ trích cho Liêm có 150.000 USD, trong khi Liêm là cấp trên của bị cáo?” - HĐXX hỏi. “Đó là tiền người ta cho bị cáo; vì anh Liêm không quan tâm chuyện đó, không chỉ đạo bị cáo” - Đạt trả lời.
Nghe vậy, chủ tọa công bố lời khai của Đạt tại CQĐT, tại đó Đạt đổ hết tội cho bị cáo Liêm.
|
Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.