Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 18/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phần tranh luận trong phiên xử Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo về các hành vi lừa đảo, vi phạm quy định hoạt động ngân hàng và cho vay nặng lãi.
Theo cáo trạng, Hà Thành "mượn" sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn và một số người khác. Sau đó, Thành cấu kết nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của người gửi tiền để dùng sổ tiết kiệm của họ thế chấp các khoản vay của mình.
Nhóm nhân viên các ngân hàng do thiếu trách nhiệm, cho rằng Thành là khách VIP… nên dù biết hồ sơ sai vẫn duyệt các khoản vay.
Tại tòa, Kiểm sát viên cho rằng các ngân hàng Quốc dân (NCB), Việt Á (VAB) và PVcombank phải trả lại tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn nhưng tạm thời giữ lại để giải quyết việc vay nợ giữa các bên.
Phía ngân hàng NCB nêu quan điểm ngược lại, nói vợ chồng ông Toàn cho Hà Thành "mượn" sổ tiết kiệm để nhận lãi ngoài, giúp cô ta chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Hành vi của vợ chồng ông có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.
"NCB có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách gửi tiết kiệm chân chính nhưng với những khách gửi không chân chính, ngân hàng có trách nhiệm làm rõ… Ở đây, khách gửi tiền có dấu hiệu "ăn vạ" các ngân hàng", phía NCB nói.
Do vậy, ngân hàng NCB đề nghị tòa án tuyên Hà Thành phải trả 50 tỷ đồng theo các sổ tiết kiệm cho vợ chồng ông Toàn. Còn khoản tiền của vợ chồng ông Toàn đang gửi tại NCB sẽ được NCB giữ lại để khắc phục phần Hà Thành gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Liên quan phần hình sự, chủ tọa Phan Huy Cương hỏi đại diện ngân hàng NCB có xin giảm nhẹ cho các bị cáo từng là nhân viên của mình hay không. Đại diện NCB cho biết đã có đề nghị Toà án xem xét thay đổi tư cách tố tụng của NCB từ "bị hại" thành "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", việc đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo là quyền của bị hại. Vì vậy, NCB không có ý kiến và đề nghị Toà án xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư của vợ chồng ông Toàn nêu quan điểm, họ đã thực hiện các trình tự, thủ tục để gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng VAB, NCB và PVcombank theo đúng quy định pháp luật; có giấy tờ nộp tiền với chữ ký và con dấu.
Quá trình điều tra đã làm rõ, giữa ông Toàn và Hà Thành không có quan hệ vay mượn; tiền do ông Toàn nộp vào ngân hàng, Hà Thành không được quản lý, sử dụng số tiền này.
Việc ông Toàn đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành không phải nguyên nhân dẫn tới thiệt hại của các ngân hàng; đây là trách nhiệm của bị cáo này và nhóm nhân viên ngân hàng. Vợ chồng ông Toàn không liên quan tới hành vi lừa đảo của Hà Thành, bởi bị cáo giả chữ ký của họ khi lấy sổ tiết kiệm thế chấp các khoản vay.
Từ đó, phía vợ chồng ông Toàn đề nghị các ngân hàng phải thanh toán khoản tiền gửi tiết kiệm kèm lãi, gồm NCB 50 tỷ đồng; VAB 20 tỷ đồng và PVcombank 52 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Toàn không đồng ý quan điểm của Kiểm sát viên khi đề nghị các ngân hàng tạm thời giữ lại các khoản trên để "giải quyết việc vay mượn dân sự giữa các bên". Lý do, giữa vợ chồng ông Toàn với Hà Thành không có việc vay mượn, họ chỉ biết gửi tiền vào ngân hàng.