Theo bà Tám, ông Long cùng ba người khác đã được xác định là bị oan trong một vụ trộm cắp. Tuy nhiên, do ông Long chết trước khi có quyết định đình chỉ điều tra bị can nên VKSND TP.Cần Thơ chưa rõ trường hợp này thì bồi thường tổn thất tinh thần như thế nào, gia đình - thân nhân của ông Long có được hưởng tiền tổn thất tinh thần này từ khi ông Long chết đến thời điểm được bồi thường hay không? Cách tính ra sao?
“Vì vậy chúng tôi đã gửi văn bản xin ý kiến Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND Tối cao để thống nhất cách giải quyết. Sau khi có trả lời của VKSND Tối cao thì chúng tôi sẽ tiến hành thương lượng cụ thể mức bồi thường với từng trường hợp” - bà Tám nói.
Các ông Tâm, Thành, Tình (từ trái qua) đang mong mỏi sớm được bồi thường oan. Ảnh: N.Nam
Như Pháp luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 1.7.1981, kho vật tư cơ giới tổng hợp của Công ty Công trình 4-3 (nay là Công ty Cổ phần 720, trụ sở tại quận Bình Thủy) bị kẻ gian cắt vách tôn, lấy cắp 103 dây cu-roa và một lốc tủ lạnh. Công ty báo cho Phòng Bảo vệ kinh tế và Phòng Trinh sát kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) khám nghiệm hiện trường.
Ngày 9.7.1981, công an ra quyết định khởi tố bốn ông: Võ Thành Long, Trần Công Thành (sinh năm 1947), Phạm Văn Tâm (sinh năm 1933), Mã Lương Tình (sinh năm 1952). Quá trình điều tra, cả bốn ông đều không thừa nhận việc trộm cắp tài sản.
Đến ngày 22.4.1982, họ được lệnh tạm tha. Sau đó là hành trình dài các ông khiếu nại kêu oan. Đến ngày 16.5.2014, Công an TP.Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với họ (lúc này ông Long đã mất).
(Theo Nhẫn Nam/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.