Xoilac tv, bản quyền ASIAD và trách nhiệm xã hội của VTV

Lê Đức Thứ hai, ngày 20/08/2018 19:32 PM (GMT+7)
Trước ASIAD 2018, ít ai nghĩ tới chuyện có ngày đội tuyển Olympic Việt Nam vào trận với tư thế “cửa trên”, đá bại Olympic Nhật Bản tại một kỳ Á vận hội. Lại càng chẳng thể tưởng tượng ra việc phải đi “xem trộm” cuộc đọ sức này trên mạng nhờ một đường link rất “phủi” là xoilac.tv.
Bình luận 0

Hai năm trở lại đây, thể thao Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích xưa nay hiếm. Tháng 8.2016, cả nước hồi hộp dõi theo hành trình thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic để rồi vỡ òa với tấm HCV Olympic. Thời điểm Vinh bước lên bục cao nhất là rạng sáng, vậy mà hàng triệu người vẫn thức trắng để cùng tận hưởng niềm vui, chia sẻ cảm xúc cùng anh qua hình ảnh trên sóng truyền hình.

img

Một quán cafe ở Đà Nẵng phát tín hiệu lậu từ xoilac tv để phục vụ khách xem đá bóng. Ảnh: FB Hải Châu

Ngày ấy, thể thao Việt Nam thắng, cá nhân Hoàng Xuân Vinh cùng bắn súng Việt Nam thắng, và VTV cũng thắng. Không chỉ là chiến thắng mang tính thương mại, mà hơn cả là VTV có được niềm tin của người dân khi lần đầu tiên được xem trực tiếp lượt bắn chung kết Thế vận hội kịch tính đến thế!

Kỳ tích nối tiếp khi đầu năm nay, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo lại “nhuộm đỏ” tuyết trắng ở Thường Châu (Trung Quốc). Bầu nhiệt huyết, khát khao của U23 Việt Nam đã làm rung động cả những cây viết quốc tế. Họ nói U23 Việt Nam không chỉ là một đội bóng mà là một gia đình với ý chí không thể khuất phục!

Chưa ai quên, các cầu thủ U23 Việt Nam khi về nước với tấm HCB châu Á đã được chào đón như những người hùng. Hơn 90 triệu người dân Việt Nam đã được sống trong những giây phút thiêng liêng, vô cùng hạnh phúc. Trong số họ, chỉ có rất ít người trực tiếp có điều kiện tới Trung Quốc sát cánh cùng thầy trò HLV Park Hang-seo. Số đông còn lại được tận hưởng niềm vui chiến thắng qua sóng truyền hình VTV.

Ở góc độ đó, với quyết định mua bản quyền truyền hình vòng chung kết U23 châu Á, một lần nữa VTV đại thắng về mọi mặt với xuất phát điểm đặt mục đích phục vụ khán giả lên hàng đầu, làm đúng trách nhiệm của một Đài truyền hình quốc gia.

img

Người hâm mộ đều phải xem Olympic Việt Nam thi đấu qua các trang web vi phạm bản quyền.

Ai cũng hiểu, trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, VTV cũng phải tìm cách “nuôi” chính mình và mục đích thương mại không thể không tính đến. Nhưng bên cạnh đó, VTV còn vai trò phục vụ công ích, thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, mang đến cho cộng đồng những giá trị tinh thần không thể đong đếm được bằng tiền.

Bóng đá và ASIAD, mà cụ thể ở đây là đội U23 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia, không còn đơn thuần là thể thao, giải trí như World Cup, EURO, mà hơn thế, là đại diện màu cờ sắc áo Việt Nam, là niềm tự hào dân tộc. Và trách nhiệm của VTV là phải truyền hình trực tiếp những trận đấu có sự xuất hiện của các đội tuyển quốc gia.

“Trong quá khứ, thế giới đã biết đến Việt Nam là một đất nước vĩ đại. Và bây giờ, tất cả còn biết đến Việt Nam là một đất nước bóng đá vĩ đại” - Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm trụ sở VFF sau thành công của U23 Việt Nam.

Và đáng ra với khí thế ấy, sau những thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam, VTV cần phải tìm cách mua được bản quyền ASIAD, giúp người dân được sát cánh, “tiếp lửa” cùng Olympic Việt Nam. Nhưng cuối cùng họ đã “bó tay”, chỉ vì giá mà đối tác đưa ra quá cao (?!).

Câu hỏi đặt ra là tại sao trước một vấn đề có thể lường trước được như vậy, VTV lại không có những kế hoạch dài hạn, sớm có những đề xuất, kế hoạch cụ thể với các cơ quan quản lý như Bộ VHTTDL, Ủy ban Olympic Việt Nam, thậm chí có thể đề xuất lên Chính phủ để tìm cơ chế, giải pháp hỗ trợ?

Hay một cách đơn giản nhất như ý kiến của HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh, liệu VTV đã tính đến chưa: “Tôi giả thuyết, nếu ngay ở thời điểm đầu năm nay gắn với thành công của U23, VTV huy động sự trợ giúp của các công ty, doanh nghiệp thì có lẽ vấn đề bản quyền ASIAD đã sớm được giải quyết chứ không khó khăn gì. Ngay ở Đông Nam Á thôi, Thái Lan, Singapore… nhiều năm nay cũng đã làm như vậy”.

Thực tế, World Cup cách đây mới hơn 2 tháng, kịch bản này đã xảy ra, với một Mạnh Thường Quân mạnh tay chi tới cả trăm tỷ. Nhưng đến nay, với ASIAD, với các đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu ở cấp châu lục, rất tiếc lại không có vị “cứu tinh” nào xuất hiện.

Thực tế, chẳng ai vui vẻ gì khi phải hồi hộp chờ đợi tới giờ bóng lăn và mong mỏi có được “một đường link”. Cũng chẳng hay ho gì khi một kênh truyền dẫn link “lậu” như xoilac tv bỗng dưng nổi tiếng.

Vì đâu đến nỗi tất cả phải đồng lòng “xem lậu” nếu không phải vì tình yêu bóng đá từ nhiều phía không được thỏa mãn (?!).

Phải chăng, chính sự thiếu minh bạch từ cơ chế đã dẫn tới những nhập nhằng giữa chuyện công ích, trách nhiệm với xã hội của VTV và lợi ích thương mại?

Cuối cùng chỉ có người dân - người hâm mộ thể thao chịu thiệt!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem