Xót xa cho vùng quê đô thị hóa

Thứ tư, ngày 16/04/2014 07:09 AM (GMT+7)
Sáng 15.4 tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 3 của anh mang tên “Nhắm mắt nhìn trời”.
Bình luận 0
Rất đông các bạn đồng nghiệp trong Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam như các nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy… và các nhà phê bình Nguyễn Hòa, Bùi Việt Thắng… đã đến chia vui với Xuân Thủy.

Nhà văn Xuân Thủy (áo kẻ) trong buổi ra mắt cuốn “Nhắm mắt nhìn trời”.
Nhà văn Xuân Thủy (áo kẻ) trong buổi ra mắt cuốn “Nhắm mắt nhìn trời”.

Xuân Thủy viết “Nhắm mắt nhìn trời” trong suốt 3 năm, trong khoảng thời gian ấy đã có lúc anh cảm thấy bế tắc, nhưng cuối cùng cuốn tiểu thuyết đã ra đời và được đánh giá là một sự “phát lộ” của nhà văn.

Tâm sự về cuốn sách của mình, nhà văn cho biết: “Năm 2011, tôi về sống tại vùng ven đô. Tại vùng đất nhá nhem này tôi đã có những trải nghiệm thú vị đối với một người viết văn. Những vùng đất đang bị đô thị hóa này là nơi ẩn chứa rất nhiều chuyện cười ra nước mắt, những đối lập, kệch cỡm. Nơi người nông dân chao đảo bởi những bọc tiền đền bù đất nông nghiệp mà một ngày nào đó rơi xuống đầu họ, văn hóa làng bị phân tách, rạn vỡ, con người chới với không biết mình thuộc về nơi nào.

Những quán trà đá đông vui bởi nạn lô đề, những cuộc hội làng rước thánh qua những trung tâm thương mại sang trọng, những tòa nhà chọc trời trước đây là đồng ruộng. Ở đó có những ngôi chùa bị vây bọc bởi quán thịt chó, tiệm spa, bị cô lập bởi những tòa nhà chọc trời. Đó là mảnh đất béo bở cho người viết và nó gợi mở cho tôi cảm hứng viết cuốn “Nhắm mắt nhìn trời” này...”.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa nhận xét: “Khi gấp lại cuốn sách “Nhắm mắt nhìn trời” lại, người đọc nào còn một chút thiên lương” thì nên mở mắt nhìn đời. Vì cuộc đời đang lộn tùng phèo. Tôi vẫn luôn nói để nhìn ra bộ mặt thật của cuộc sống hôm nay thì đừng nhìn vào các thành phố lớn, hãy nhìn vào những phố huyện, những làng ven đô, đó mới là nơi bộc lộ rõ nhất sự xô bồ, lở loang của văn hóa, đạo lý. Các nhân vật trong tác phẩm của Xuân Thủy giống như một chùm khoai sọ bám vào nhân vật chính là nhà văn Nguyễn để cho bạn đọc hình dung về những gì đang diễn ra. Mặc dù truyện có đôi chỗ nặng về xung quanh nhân vật “Nhợn cứt”- một gã buôn bán phân tươi để trồng rau nhưng rõ ràng nó thực sự có tính chất thức tỉnh phần người trong mỗi chúng ta”.

Tiến sĩ, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Đọc xong cuốn sách này, điều tôi cảm nhận rõ nhất là sự nhân hậu của tác giả khi anh nhìn tất cả mọi nghề trong xã hội này đều công bằng như nhau, từ nhà văn, cô cave hay gã buôn phân người. Đó là một điều đáng trọng vì nó thức tỉnh lương tâm của con người”.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem