Xử chủ xe, quên xử chủ hàng

Vinh Hải Thứ ba, ngày 25/11/2014 07:22 AM (GMT+7)
Việc tăng mức xử phạt hành vi chở quá tải đối với chủ doanh nghiệp vận tải, nơi bốc xếp hàng hóa đã được quy định trong Nghị định 107/2014/ (ban hành ngày 17.11).  Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Tuy nhiên, việc xử chủ hàng lại bị bỏ qua. 
Bình luận 0

Xử phạt theo mỗi đầu xe

Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã có những quy định mới, cụ thể hơn về xử phạt hành vi chở quá tải. Theo đó, phạt tiền từ 12 – 14 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe và 24 – 28 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức thực hiện hành vi giao hoặc để cho người làm công, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định chở quá tải trọng từ 40 – 60%. Mức xử phạt tăng lên tương ứng khi để chở quá tải trọng 60 – 100% là 14 – 16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 – 32 triệu đồng với tổ chức.

img

Chủ phương tiện chở quá tải sẽ bị xử phạt mạnh tay hơn kể từ ngày 1.1.2015. Ảnh: V.H

 

Với người điều khiển xe chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX trong thời gian 3 tháng. Trong trường hợp này, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt 16 – 18 triệu đồng và chủ xe là tổ chức bị phạt 32 – 36 triệu đồng.

Một điểm mới về xử phạt chở quá tải trọng đối với người hoặc cơ sở bốc xếp hàng hóa là việc xử phạt sẽ được tính trên đầu xe. Bà Hoàng Hồng Hạnh – Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Trên xe có ghi rõ là được chở bao nhiêu rồi, trên căn cứ đó để xem anh có bao nhiêu xe quá tải. Trước đây xử phạt đối với doanh nghiệp, bây giờ tiến hành xử lý trên mỗi xe, nếu 100 xe vi phạm thì sẽ phạt theo đầu xe”. Mức xử phạt đối với cá nhân tăng lên 2 triệu đồng, đối với tổ chức 4 triệu đồng nếu vi phạm bốc xếp quá tải trên 40%.

Lúng túng xử lý chủ hàng

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Tôi hoan nghênh việc xử phạt. Tuy nhiên, trong 4 đối tượng liên quan đến hiện tượng quá tải là lái xe, chủ xe, đơn vị xếp dỡ và chủ hàng thì còn đối tượng chủ hàng vẫn chưa được đề cập đến. Hiện ta còn lúng túng trong việc xử lý đối tượng này, đây mới là đối tượng ép giá vận tải”.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đồng tình với việc tăng mạnh mức xử phạt đối với chủ xe và tăng nhẹ mức xử phạt với tài xế chở quá tải. Ông Thanh cho hay: “Nhiều chủ doanh nghiệp cũng có ý kiến phản ứng, chúng tôi đã nói ông là người quản lý doanh nghiệp, không thể đứng ngoài cuộc, ông phải chịu trách nhiệm. Đơn vị xếp dỡ cũng bảo với chúng tôi là chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải bảo chúng tôi xếp bao nhiêu thì xếp. Nhưng không phải vậy, anh là người tiếp tay gián tiếp”.

Bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết thay đổi lớn nhất trong Nghị định 107 đối với hành vi chở quá tải là mức phạt đối với chủ phương tiện: “Đối với lái xe, mức phạt tăng không đáng kể. Ví dụ việc chở quá tải trên 100% chỉ xử phạt lái xe tăng thêm 1 triệu đồng, thay vào đó là tăng thời gian tước giấy phép lái xe. Còn mức phạt đối với chủ xe tăng rất nhiều”.

Giải thích về việc truy xuất, xử phạt nguồn bốc xếp hàng hóa lên xe, bà Hạnh cho biết: “Một là các lực lượng kiểm tra sẽ truy xuất được nguồn hàng và truy ngược lại, nhưng việc này sẽ là ít thôi. Còn chủ yếu, lực lượng thanh tra sẽ vào tận nơi xếp hàng, căn cứ vào vận đơn xếp hàng lên từng xe. Từ đó xem xét nội dung đối với xe để xem có quá tải hay không. Một doanh nghiệp có thể xuất vận đơn cho 100 xe, có thể kiểm tra trực tiếp trên đường hoặc truy xuất ngược lại vào nguồn hàng”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Vừa qua, chúng ta đã tổ chức cho các chủ xe, chủ doanh nghiệp cam kết không xếp hàng quá khổ quá tải. Các cảng, bến tàu, bến xe cũng đều thực hiện cam kết. Thêm vào đó là tăng cường siết chặt đăng kiểm, tăng cường tuyên truyền, vận động… tăng cường xử lý, phạt nặng hơn và yêu cầu xe quay trở lại hạ hàng xuống. Với những giải pháp đồng bộ như vậy, cơ bản đến cuối 2015 sẽ không còn xe quá khổ, quá tải”. 

Xe giường nằm văng bánh ra đường: Siết lại việc bảo dưỡng, kiểm định xe

 Khoảng 11 giờ ngày 23.11, xe khách giường nằm BKS 36B-015.29 chạy tuyến Thanh Hóa -  TP.Hà Nội gặp tai nạn hy hữu. Khi đang lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, 2 bánh sau phía trái của xe đã bị văng hẳn ra ngoài, rất may không có phương tiện nào đi sau bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Trước đó, đêm 22.11 xe khách giường nằm BKS 24B - 003.09 đã đâm vào đuôi xe tải BKS 29C-381.99 tại km 70 + 236, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua địa phận Khu 14, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Vụ tai nạn làm 2 xe bị hư hỏng nặng nhưng không có thiệt hại về người. Hai vụ tai nạn dù không có thiệt hại về người nhưng đều được đánh giá là nghiêm trọng, tiếp tục cảnh báo với các cơ quan quản lý về việc quản lý, giám sát điều kiện hoạt động của loại phương tiện này. 

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tình trạng đăng kiểm của 2 xe trong các vụ tai nạn kể trên. Cả 2 xe đều còn thời hạn đăng kiểm. Vấn đề đặt ra là việc bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ được thực hiện như thế nào”. 

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng những sự việc vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc bảo dưỡng định kỳ. Ông Hùng nhấn mạnh: “Nếu chủ xe mượn lốp, mượn thùng xe đi kiểm định cho đạt rồi khi ra đường lắp lại đồ cũ sẽ nguy hiểm thế nào. Vấn đề bây giờ là phải siết chặt hơn nữa việc kiểm định, bảo dưỡng phương tiện. Các trung tâm đăng kiểm cần phối hợp với Sở GTVT các địa phương triển khai tập huấn, kiểm tra nội dung bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách”. Ông Hùng cũng cho biết thêm, dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ có báo cáo kết quả về việc tổng kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với xe khách giường nằm trên toàn quốc. 

Minh Phong

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem