Xử lý đất cho vụ lúa Hè - Thu: Khác biệt ở mỗi tiểu vùng

Thứ ba, ngày 12/04/2011 13:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xin đề cập cụ thể hơn về kỹ thuật xử lý đất ở từng tiểu vùng canh tác lúa hè thu của vựa lúa hàng đầu cả nước này.
Bình luận 0

Nếu trên nền đất phèn như khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và các vùng có tầng phèn khá nông thì chỉ nên điều chỉnh lưỡi cày ở độ sâu tối đa 20 – 25cm để tránh đụng phải tầng phèn ống sẽ giải phóng ra nhiều độc tố có hại cho cây lúa mới sạ.

img

Sau vụ lúa đông xuân cần nhanh chóng cày lật đất để phơi ải.

Nếu là đất phù sa, đất nhiễm mặn, đất xám có thể cày sâu hơn đến 30 – 35cm để thuận lợi cho bộ rễ lúa phát triển và hút dinh dưỡng dễ dàng hơn. Riêng nhóm đất nhiễm mặn thì cày sâu cũng là một trong các biện pháp giảm mặn ở tầng mặt giúp cây lúa còn non không bị chết hoặc chậm phát triển vì hệ rễ bị rụng lông hút do độ mặn trong đất > 0,4 %.

Sau khi kết thúc vụ lúa đông - xuân cần nhanh chóng cày lật đất để phơi ải đất (phơi khô) nhằm tạo điều kiện môi trường chuyển hóa có lợi trong đất, giúp làm tăng độ màu mỡ và giảm độc tố trong đất của vụ hè thu.

Phơi ải chỉ có hiệu lực tốt khi đất thật sự được cày lật, đủ thời gian để khô và thực hiện các chuyển hóa về mặt sinh- hóa- lý trong đất (thời gian tối thiểu phải đạt từ 15 -30 ngày). Nếu không đủ điều kiện phơi ải, thì nên chọn giải pháp cày bừa nhanh và ngâm nước lâu hơn trước khi bừa trục.

Với các chân ruộng lúa đông xuân cắt thủ công (có lượng gốc rạ nhiều hơn so với ruộng lúa thu hoạch bằng máy) thì khi cày lật đất cần bón bổ sung các chế phẩm vi sinh phân hủy hữu cơ (phân hủy xellulose) và những vi sinh vật đối kháng để tạo điều kiện làm tăng tốc độ, chất lượng phân hủy rơm rạ và tiêu diệt các loại vi sinh vật gây bệnh.

Sau thời gian phơi ải đất, tiến hành tháo nước vô ruộng để bừa trục. Nếu là đất phèn và đất nhiễm mặn thì sau khi bừa trục lần 1 cần để lắng qua một đêm, sang ngày hôm sau tháo nước ra mương để xả phèn mặn. Đây là biện pháp giảm phèn mặn đầu vụ rất hữu hiệu. Bừa, trục và san bằng mặt ruộng bằng máy kéo bánh lồng có công cụ trang phẳng mặt ruộng kèm theo. Sử dụng máy kéo liên hợp với máy phay hoặc bánh lồng và trục bùn. Tùy theo diện tích ruộng mà dùng các loại máy kéo khác nhau. Làm đất kỹ bằng phẳng, bón lót trước bừa, trục lần cuối, đánh rãnh, xẻ mương, không được để đọng nước trước khi gieo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem