Sau 10 năm, hình thành nhiều dự án BĐS trên các khu đất nhà xưởng, cơ sở sản xuất
Những khu nhà ở, chung cư cao tầng đã mọc lên thế này sau 10 năm thực hiện sắp xếp, xử lý nhà/đất thuộc sở hữu nhà nước
HoREA đánh giá, sau 10 năm thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007, Quyết định 140/2008/QĐ-TTg ngày 21.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22.12.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án BĐS, hình thành các khu nhà cao tầng với chức năng căn hộ ở, văn phòng làm việc, các khu thương mại... góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản liên quan có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước.
3 nhóm chủ đầu tư đáng chú ý
HoREA "điểm mặt" 3 nhóm chủ đầu tư sau: (1) Đơn vị được cổ phần hóa hoặc đơn vị có đất nhà xưởng là chủ đầu tư dự án BĐS tại vị trí đất cũ (chính chủ); (2) Chính chủ liên doanh với DN BĐS làm chủ đầu tư dự án, đây là hình thức phổ biến; (3) Khu đất đã được sang nhượng cho chủ đầu tư khác để làm dự án BĐS (có thể đã được sang nhượng).
Trong số này, có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân đã sinh sống ổn định; có những dự án đang triển khai thi công hoặc đang trong quá trình làm thủ tục/chuẩn bị đầu tư... Do đó, cần có giải pháp xử lý phù hợp để vừa đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Với những dự án đã/đang hoàn thành đầu tư triển khai, giải pháp nào sẽ được đưa ra để thỏa mãn đồng thời các yếu tố: thượng tôn pháp luật - quyền lợi người mua nhà và lợi ích nhà đầu tư?
Từ đây, HoREA kiến nghị Thủ tướng một số đề xuất liên quan. Đầu tiên là sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc Quyết định thay thế Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007, Quyết định 140/2008/QĐ-TTg ngày 21.10.2008, Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22.12.2010 của Thủ tướng Chính phủ, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...
Thứ hai, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có "chân gỗ", "quân xanh, quân đỏ".
Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án; "Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;
Cuối cùng, HoREA kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết , thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi - nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.