Xử lý vi phạm của FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng đến nợ xấu hay không?

Thành An Thứ sáu, ngày 15/04/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, cử tri băn khoăn liệu việc xử lý vi phạm của các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không?
Bình luận 0

 Cử tri rất băn khoăn về việc xử lý các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập đến việc xử lý một số tập đoàn lớn vi phạm thời gian gần đây như: FLC, Tân Hoàng Minh.

Xử lý vi phạm của FLC, Tân Hoàng Minh ảnh hưởng đến nợ xấu như thế nào? - Ảnh 1.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp thứ 10 của Thường vụ Quốc hội, ngày 14/4. Ảnh: Q.H

"Chúng tôi nhận được những thông tin từ cử tri rất băn khoăn về việc này có ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan đến nợ xấu và tổ chức tín dụng hay không?", bà Thanh nói.

Từ đó, bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Chính phủ và bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải tích cực rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh.

Đồng thời, phải có phương án, biện pháp để sớm phục hồi và làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ để phục vụ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trong thời gian tới.

"Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, cụ thể tại hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh", bà Thanh nói và đề nghị hết sức quan tâm đến chính sách tiền tệ và nợ xấu liên quan đến tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị trong báo cáo nên đánh giá sâu và cụ thể hơn loại tội phạm thao túng thị trường chứng khoán thì có liên quan tới Nghị quyết 42 như thế nào.

"Tôi nói giả sử như bây giờ chúng ta có loại tội phạm như nãy chị Thanh nói là thao túng thị trường chứng khoán thì có liên quan tới Nghị quyết 42 như thế nào? Thu những tài sản bảo đảm thì xuất hiện các loại tội phạm mới như thế nào?", ông Tới nói.

Xử lý vi phạm của FLC, Tân Hoàng Minh ảnh hưởng đến nợ xấu như thế nào? - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Q.H

Nhấn mạnh xử lý nợ xấu là vấn đề tác động rất lớn đến cả nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phân tích làm rõ thêm kết quả từng chính sách quan trọng của Nghị quyết 42, chẳng hạn quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quy định rất mới, không theo quy định của hệ thống pháp luật bình thường.

Không phải tất cả việc gì cũng đổ cho Covid-19

Liên quan đến phân tích nợ xấu từ khi có Nghị quyết 42 đến nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ nợ trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng.

"Bây giờ, tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không, bao nhiêu? Nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu. Có một loại là lãi dự thu trên số nợ xấu thì còn xấu hơn cả nợ xấu, tức là ăn vào những cái không có. Chính tôi là người nói đầu tiên về vấn đề lãi dự thu. Cứ theo hợp đồng tín dụng tính ra thôi.

Cho vay 1 tỷ, lãi suất 10%, mỗi năm là bao nhiêu, cứ hạch toán ra đưa vào phân phối, chia nhau. Thực chất bản thân gốc đã không thu được nói gì lợi nhuận. Nợ xấu còn có tài sản đảm bảo, còn xử lý được, lãi dự thu này là trên hợp đồng tín dụng", ông Vương Đình Huệ phân tích.

Xử lý vi phạm của FLC, Tân Hoàng Minh ảnh hưởng đến nợ xấu như thế nào? - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 10 của Thường vụ Quốc hội, ngày 14/4. Ảnh; Q.H

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần đánh giá xem tác động của Covid-19 đến nợ xấu thế nào, "không phải tất cả việc gì cũng đổ cho Covid-19".

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu: Riêng phát hành năm 2021 đã hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% thuộc về lĩnh vực bất động sản. Trong khi nợ đến hạn phải trả năm nay tương đương khoảng 19-20% tổng dư nợ.

"Các doanh nghiệp đến giai đoạn đến hạn thường phát hành trái phiếu để đảo nợ, ngân hàng thì anh nào nợ xấu trên 30% thì không cho thành trái chủ nữa. Bây giờ mấy doanh nghiệp đang khó khăn về Covid-19 thì có vay được không để trả nợ. Trái phiếu doanh nghiệp cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo", ông Vương Đình Huệ nói.

Giải trình thêm sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhiều lần tha thiết đề nghị được gia hạn hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm 2 năm, tức là kéo dài đến tháng 8/2024. Bởi trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung cho Luật Phòng chống rửa tiền và năm sau là Luật Bảo hiểm tiền gửi…

Cuối phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, thời hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem