Xử vụ Phạm Công Danh: 903 tỷ đồng thiệt hại là giao dịch dân sự?

Lý Tín Thứ năm, ngày 11/01/2018 11:56 AM (GMT+7)
Trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) khai rằng trước khi quyết định lựa chọn Quỹ Lộc Việt, Phạm Công Danh và Mai có đưa ra 3 quỹ để lựa chọn, cuối cùng chọn Quỹ Lộc Việt. Giao dịch với Quỹ Lộc Việt có thuần túy là giao dịch dân sự?
Bình luận 0

Sáng 11.1, TAND TP.HCM tiếp tục ngày làm việc thứ 4, phiên xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Buổi sáng là phần xét hỏi của các luật sư đối với số tiền thiệt hại 903 tỷ đồng mà VNCB (Ngân hàng Xây dựng) đứng ra bảo lãnh cho Quỹ Lộc Việt vay từ TPBank (Ngân hàng Tiên Phong). Tuy VNCB bảo lãnh cho quỹ này vay hàng nghìn tỷ đồng từ TPBank nhưng chỉ gây thiệt hại 903 tỷ đồng nên VKS chỉ truy tố phần này.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền từ VNCB chuyển cho Danh sử dụng. Mai đề xuất Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh (do Danh làm Chủ tịch HĐQT) thì tiền sẽ quay lại với Danh.

img

Phan Thành Mai - người đề xuất cho Phạm Công Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để rút tiền VNCB. Ảnh: Lý Tín

Bị cáo Danh gặp Nguyễn Việt Hà - Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt, dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền từ TPBank. Hà đồng ý.

Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai khai rằng trước khi quyết định lựa chọn Quỹ Lộc Việt, Danh và Mai có đưa ra phương án và nêu tên 3 quỹ để lựa chọn. Do có quen biết với Hà nên Mai đề xuất chọn Quỹ Lộc Việt.

“Giao dịch với Quỹ Lộc Việt thuần túy là giao dịch dân sự. Còn cáo buộc của VKS, bị cáo không đủ thẩm quyền nhận định”, bị cáo Mai nói.

Còn bị cáo Nguyễn Việt Hà khai: “Khi được Mai đề nghị, bị cáo có biết Danh là Chủ tịch của Tập đoàn Thiên Thanh nhưng không nghĩ là Chủ tịch của VNCB. Nhận thấy đây là cơ hội để Quỹ Lộc Việt phát triển nên bị cáo chỉ đạo nhân viên làm việc toàn lực. Trước sự cạnh tranh với nhiều quỹ khác, Quỹ Lộc Việt buộc phải làm nhanh, chính xác”.

Theo bị cáo Hà, số tiền vay sẽ do khách hàng bảo lãnh (tức VNCB) chỉ định Quỹ Lộc Việt đầu tư và VNCB sẽ chịu mọi rủi ro với chỉ định đó. Quỹ Lộc Việt chỉ giám sát dòng tiền. Do số tiền lớn, Hà chia nhỏ thành 11 giao dịch và đưa 11 công ty pháp nhân do Quỹ Lộc Việt thành lập hoặc giới thiệu làm công ty sẽ vay vốn của TPBank.

“Bị cáo không ý thức được hậu quả như hiện nay, mà thời điểm đó chỉ nhận định là cơ hội cho Quỹ Lộc Việt vực dậy. Có lẽ vì nóng vội trong việc hoàn thành hồ sơ khiến xảy ra sai sót. Các nhân viên khác trong Quỹ Lộc Việt chịu sự chỉ đạo của bị cáo chứ không biết gì”, bị cáo Hà nói.

Từ chỉ đạo của Hà, một số nhân viên đứng tên pháp nhân, ký tên giấy tờ và hiện nay bị truy tố như Phạm Thị Hoài Thanh - Phó giám đốc Công ty Thạch Hà. Thanh là nhân viên Quỹ Lộc Việt và Công ty Thạch Hà do Hà chỉ đạo thành lập.

Mượn 11 pháp nhân, Hà đi vay của TPBank hàng nghìn tỷ đồng rồi mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh làm thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng, còn tiền lại về tay Danh.

Việc Quỹ Lộc Việt bị đưa vào điều tra xét xử trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 là từ 1 trong 10 kiến nghị của phiên sơ thẩm giai đoạn 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem