Tôi rất thích không khí của mùa xuân, bên mái ấm gia đình, ngày Tết có trầm
hương, kỷ trà, hoa mai, có tiếng cười nói của tam đại đồng đường sau một năm ngồi lại, con cháu chúc tụng ông
bà cha mẹ, ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu, nghe nhau nói, nhìn nhau vui, kể
cho nhau những dự tính…
![Xuân quê nhà. Xuân quê nhà.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-02-18/1434369512-xuanquenha.jpg)
Xuân quê nhà.
Con đường vui nhất là đường về quê ăn Tết. Gốc mai đằng đẵng
ngoài sân, trổ hoa vàng đợi ai mà nghe chừng rung rinh năm cánh khi có sự xuất
hiện của những người thân yêu.
Có một loại ngữ pháp riêng, tôi gọi là ngữ pháp
quê nhà, nó giành cho những cấu trúc ngôn từ khi líu lo ríu rít, khi thâm trầm
sâu lắng, khi thao thiết dịu lành, không chỉ của con người với nhau, mà còn của
cây lá, chim muông, gia súc cho đến những áng mây hoặc tia nắng, giọt mưa lay động
hồn vía...
Tuổi thơ ơi, bến sông nào mình tắm, triền núi nào mình ngồi, nẻo
truông nào mình nghêu ngao với bạn bè chăn trâu đốn củi, thung lũng nào mình theo
dấu sóc nai kiếm hái trái mít nài và chùm dủ dẻ… Thoáng chốc, đã ở bên kia triền
dốc của đời người, mùa xuân thì tuổi trẻ sôi động nhìn tới phía trước còn tuổi
già lại bồi hồi ngoái lại chân trời xa xăm.
Kiểm
điểm thi đua chi bộ, cơ quan, phấn đấu cả năm, thời điểm tổng kết kiếm cái phiếu
công nhận của anh chị em cũng gian truân vất vả, nhưng dù bộn bề mấy rồi cuối năm cũng
làm xong trước Tết.
Nhưng cái khó nhất là kiểm điểm các thành phần cơ thể xem cái nào suy thoái, biến
chất gì không, để còn liệu trùng tu nâng cấp, cái nào vợ chê, cái nào vợ khen, điều
ấy ai ở tuổi 55 trở lên chắc mới thấm!
Tóc không còn mấy sợi xanh, răng thì cắn
hột dưa đã thấy xục xịch, nói chi đến “sa trường ẩm thực” cánh gà giò heo móng
bò đuôi dê lừng lẫy một thời! Nhưng tự nhiên thấy vui vì dù sao cũng chạm tay
vào mút cuối lời nguyện trăm năm, yêu nhau đến đầu bạc răng long, là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tôi đùa vợ là “chúc bà cụ thân
sinh của các con tôi được bách niên giai lão”.
![Cây trà chùa Thiên Mụ. Cây trà chùa Thiên Mụ.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-02-18/1434369513-caytrachuathienbuu.jpg)
Cây trà chùa Thiên Bửu.
Ở miền đất võ Bình Định, năm nay không ít lễ hội như 225 chiến thắng Đống Đa; 49 năm Đèo
Nhông- Dương Liễu; 55 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh; ngoài ra là các hội Chợ Gò,
đua thuyền, đánh cờ người… sum suê xôm tụ. Cho dù vậy, khi ở quê trở lại Quy
Nhơn, năm nay tôi tự thấy nên giảm bớt các cuộc chen chúc lễ hội, đưa cả nhà nhẹ
nhàng rẽ rừng suối về chùa Thiên Bửu, thuộc thôn Chánh Oai, Phù Cát.
Chùa này nằm
cách biển khoảng một tiếng đi bộ, lên dốc xuống đèo, thưởng ngoạn rừng suối,
đá núi và kỳ hoa dị thảo. Sư Nhuận Hiếu là người quen cũ, đưa ra tảng đá bên suối
ngày xưa tôi và sư ngồi đàm đạo cả đêm, về tôi có viết tùy bút “Cửa chùa thắp ngọn
đèn thơ” cho Tạp chí Thơ và “Ăn trăng uống gió cuộc đời” cho Báo Nông thôn ngày
nay. Cảnh cũ người xưa, nói chẳng hết lời, còn hẹn tuần trăng nào hương xuân chưa phai áo.
![Chùa Thập Tháp. Chùa Thập Tháp.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-02-18/1434369513-thaptrangchuathapthap.jpg)
Chùa Thập Tháp.
Sau đó tôi đưa gia
đình lên chùa Thập Tháp, ngồi uống trà cùng thầy Phương Niệm, đồng môn với các
con trai tôi ở Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Thầy Phương Niệm nhiệt tình dẫn
đi thăm Tháp Trắng, tượng trưng cho đạo hạnh đức độ tinh nghiêm của hòa thượng
Liễu Triệt
(1702-1764) với lời bảo chứng trước khi viên tịch:“Ta một đời tu hành thanh tịnh,
sau khi xả bỏ báo thân này, Tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch” (vì lúc ở Thiên Mụ, hòa thượng thường ra vô
thuyết giảng trong nội triều, có người vu quan hệ tình cảm với một phi tần);
thăm miếu Bạch Hổ ở khu vườn sau chùa, nơi hòa thượng cảm hóa con cọp trắng
tham thiền. Vật đổi sao dời, sự cao khiết còn mãi.
Gần bốn thế kỷ đi qua, giờ trong
khu vườn lưu dấu các di chỉ, chiều chiều
có hàng ngàn con cò trắng bay về.
Ngày xuân, đất xuân, trời xuân, tạo vật và con người thẩm
thấu trong nhau, mây cao gió rộng, suối ngọt vườn thơm… Đọc trong kinh sách, cảm
nhận sự mô tả không khí của thiên đường, của niết bàn, của bồng lai tiên cảnh
rõ ràng tuyệt hảo, không ngờ nó ở chính ngôi nhà của mình, trên những nẻo đường
du xuân ở những giây phút như vậy.
Nguyễn Thanh Mừng (Nguyễn Thanh Mừng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.