Xuất hiện nhiều chuỗi phản ứng có hại của thuốc

Thứ ba, ngày 10/12/2013 16:00 PM (GMT+7)
Ngày 10.12, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ADR Quốc gia) cho biết, trong 2 tháng qua, Trung tâm đã nhận được rất 30 báo cáo về phản ứng có hại của thuốc.
Bình luận 0
Ngày 10.12, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ADR Quốc gia) cho biết, trong 2 tháng qua, Trung tâm đã nhận được rất 30 báo cáo về phản ứng có hại của thuốc, đáng chú ý nhiều báo cáo xảy ra theo chuỗi, xuất hiện một thời gian ngắn, tại một số cơ sở khám chữa bệnh với thuốc nghi ngờ nằm trong cùng lô thuốc của một nhà sản xuất.

Mới đây nhất, ngày 9.12, Trung tâm nhận được báo cáo thuốc Furosemid 20mg/ml (chỉ định Phù do tim, gan, thận hay các nguồn gốc khác, phù phổi, phù não, nhiễm độc thai) do Công ty cổ phần dược phẩm Thanh Hóa số lô 005 đã gây ra 11 phản ứng, khiến bệnh nhân đau buốt dọc tĩnh mạch tay khi đang tiêm. Trước đó, ngày 1.11, Trung tâm cũng đã nhận được 3 báo cáo tương tự. Thuốc Spreacef (ceftriaxon) Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi cũng gây ra phản ứng ngứa, ban đỏ, khó thở và sốc phản vệ cho 5 bệnh nhân.

img
Ảnh minh họa

Tháng 11 cũng có nhiều thuốc gây phản ứng có hại nguy hiểm. Như thuốc Sodium Chloride 0.9% do Cty Euro-Med Laboratories (Philippines) sản xuất số lô 082256 đã gât ra phản ứng rét run và sốt (3 trường hợp), huyết áp không đo được (1 trường hợp) cho 4 bệnh nhân. Thuốc Tatumcef 2g (Ceftazidim) số lô T2005 do Cty China Chemical & Pharmaceutical Co., Ltd (Trung Quốc) sản xuất gây phản ứng cho 8 bệnh nhân với 7 người bị sốc phản vệ và phản ứng phản vệ, 1 người bị buồn nôn và mệt….

TS Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) cho biết, trong trường hợp xảy ra các ADR nghiêm trọng liên quan đến cùng một chế phẩm trong khoảng thời gian ngắn, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đề xuất với cán bộ y tế và bệnh viện gửi báo cáo kiểm tra quy trình, kỹ thuật tiêm truyền thuốc và quy trình bảo quản thuốc tại bệnh viện. Đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm truyền thuốc cho bệnh nhân; tiếp tục theo dõi việc sử dụng các thuốc trong cùng lô và giám sát chặt chẽ bệnh nhân sử dụng các thuốc này.

Còn trong trường hợp tiếp tục xảy ra phản ứng có hại, cần phát hiện và xử trí kịp thời, đồng thời, báo cáo ngay về Trung tâm DI & ADR Quốc gia. Nếu các trường hợp ghi nhận tiếp theo có biểu hiện nghiêm trọng, xin đề nghị tạm ngừng sử dụng lô thuốc; lấy mẫu và gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Phân Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh hoặc các Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh. Chỉ sử dụng lại thuốc trong lô nếu kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

TS Hoàng Anh cho biết, chính nhờ các báo cáo về phản ứng có hại của thuốc từ các bệnh viện mà Trung tâm đã ra được nhiều cảnh báo, đồng thời báo về Cục Quản lý Dược để tổ chức kiểm tra, kiểm nghiệm về chất lượng thuốc, đồng thời ra các văn bản đình chỉ lưu hành thuốc hoặc khuyến cáo các phản ứng phụ, yêu cầu các bác sĩ khi điều trị bằng loại thuốc đó cần lưu ý.

Dưới đây là danh sách một số thuốc khác đang nghi ngờ gây phản ứng có hại cho nhiều bệnh nhân:

Thuốc Koftazide (ceftazidim) của Cty U Square Lifescience Pvt., Ltd (Ấn Độ) số lô 87213001 khiến 4 trẻ tím tái, khó thở, quấy khóc.

Thuốc Zefpocin (cefotaxim 1 g) của Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương I – Pharbaco số lô 413004 1 bệnh nhân ngứa, đau quặn bụng, khó thở, mạch chậm; 2 bệnh nhân dị ứng trên da.

Thuốc Nefiaso (ceftriaxon 1 g) Brawn Laboratories Ltd (Ấn Độ) BI0413012 khiến 5 bệnh nhân bị mẩn ngứa, mày đay, chóng mặt, buồn nôn, nôn, mệt, 1 bệnh nhân khó thở

Thuốc Cefotaxim 1g của JSC Kievmedpreparat (Ukraine) số lô 52176 khiến 3 bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng mặt, 1 bệnh nhân khó thở, nhịp tim nhanh

Thuốc Plofed 1% (propofol) của Warsaw Pharmaceutical Works Polfa S.A. (Ba lan) số lô 13DZ0113 đã gây ra phản ứng nguy hiểm cho 3 bệnh nhân với các triệu chứng mạch, nhịp tim, huyết áp giảm sâu, thở chậm, ngừng thở...

Thuốc Lipivan 10% 250 ml của Ấn Độ số lô A620961 khiến 5 người bị mệt, rét run, mạch nhanh.

Nước cất ống 5ml của Armephaco số lô 132013 khiến 12 người bị tiêm thuốc pha nước cất bị run lạnh, sốt

Thuốc Iopamiro (Iopamidol) của Bracco. Milano số lô C3P556B khiến 4 người sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, mệt (01 trường hợp), sốc phản vệ (03 trường hợp)

Thuốc Metronidazol 500mg của Rotex Medica số lô 30634 khiến bệnh nhân sau khi truyền thuốc bị mẩn ngứa (02 trường hợp), vã mồ hôi, run tay chân, đau ngực, khó thở (01 trường hợp)

Thuốc Cefuroxim 750mg của Công ty cổ phần dược phẩm VCP số lô 560613 Sốc phản vệ (1 trường hợp), sốt cao, rét run (07 trường hợp)

Thuốc Sodium Chloride 0,9% của Anhui Double-Crane Pharmaceutical Co., Ltd. Số lô v-130483s khiến 3 người bị khó thở, rét run, tức ngực, sốt cao, huyết áp tụt hoặc tăng

Thuốc Hemapo (epoetin alpha) của Shandong Kexing Bioproducts Co., Ltd số lô 201212105 khiến 6 bệnh nhân bị đau, choáng váng, tức ngực, buồn nôn, khó thở, huyết áp tụt hoặc tăng.

Thuốc Lidocain & Adrenalin của Injection BP Psychotropics India, số lô 12IV-019 gây phù kết mạc, sụp mi cho 6 người.

Thuốc Ringer Dextrose 5% của Công ty TNHH B. Braun Việt Nam các số lô 1319777741, 130337741, 130947741 gây sốc phản vệ cho 1 trường hợp và mẩn đỏ 4 trường hợp.

Thuốc Cefotaxim của Công ty cổ phần dược phẩm VCP, số lô 620613 gây sốc phản vệ cho 2 bệnh nhân.

Thuốc Ultravist 370 (iopromid) của Bayer Schering Pharma AG, số lô T31954D gây sốc phản vệ cho 2 bệnh nhân

Thuốc Marcain Spinal Heavy của AstraZeneca AB, số lô F0075-2 khiến 3 bệnh nhân bị sốc phản vệ.

Thuốc Xenetix (iobitridol) của Guerbet, số lô 12WC034A làm 5 người rét run, mẩn đỏ, khó thở sau khi dùng thuốc.

Huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất của IVAC (Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế), số lô 31 khiến 3 người bị sốc phản vệ (2 trường hợp); sẩn ngứa, tăng huyết áp (1 trường hợp)…
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem