Xuất hiện thêm nhiều tỷ phú nông dân trong phong trào thi đua SXKD giỏi ở Ninh Bình
Ninh Bình: Điểm sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 03/10/2024 07:05 AM (GMT+7)
Trong 3 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai xuyên suốt. Phong trào đã tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân vươn lên làm giàu, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam;…Các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.
Điển hình phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", là phong trào trọng tâm xuyên suốt các hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Ninh Bình.
Để phong trào đi vào thực tiễn đạt hiệu quả, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Ninh Bình đã tập trung tuyên truyền sâu rộng nội dung "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo vững".
Tiêu chuẩn "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" đến hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức như: Mở lớp tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chi,…Qua đó, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền tới 567.526 lượt hội viên, nông dân.
Thông quan các buổi tuyên truyền đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên của hội viên, nông dân, động viên hội viên, nông dân hăng hái tham gia phong trào.
Hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Ninh Bình còn tổ chức triển khai, phát động hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Bình quân mỗi năm có 132.800 hộ đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Những kết quả các cấp Hội đạt được
Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã bám sát tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi để bình xét đánh giá. Đối với cấp cơ sở mỗi năm một lần tổ chức bình xét từ chi hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân cơ sở xét và ra quyết định công nhận. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình có 29.744 hộ nông dân đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp.
Ngoài ra, để phong trào đạt kết quả cao, công tác kiểm tra, giám sát được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện thường xuyên, các cấp Hội đã tổ chức 369 cuộc kiểm tra giám sát ở các xã, phường, thị trấn, chi Hội.
Nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức phát động, bình xét các hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân có kiến thức khoa học, vốn, vật tư nông nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật được 3.151 lớp cho 120.340 lượt nông dân tham gia. Từ các lớp tập huấn này giúp nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh Ninh Bình đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho 28.252 lượt hội viên nông dân. Sau khi học nghề có trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều nghề được duy trì và phát triển. Từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Để làm tốt việc hỗ trợ cho nông dân, Hội Nông dân các cấp đã ký chương trình phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi…Chương trình nhằm cung ứng theo phương thức trả chậm tạo điều kiện cho những nông dân khó khăn về vốn, phân bón để đầu tư phát triển sản xuất.
Kết quả, trong 3 năm các cấp Hội trong tỉnh Ninh Bình đã tín chấp cung ứng 2.118,63 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.
Phát huy nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân
Đặc biệt, thực hiện kết luận 61/KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hàng năm trích từ nguồn ngân sách tỉnh để bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 5-7 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện được UBND cấp huyện cấp bổ sung hàng năm từ 50.000.000-500.000.000 đồng.
Được biết, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Ninh Bình là 36.344,29 tỷ đồng, nguồn vốn trên đang cho 1.524 hộ hội viên nông dân vay để phát triển sản xuất, nguồn vốn được quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả tốt. Thông qua việc hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hội đã giúp nông dân hình thành các nhóm liên kết sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" đã thúc đẩy nhu cầu liên kết giữa các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. Việc thực hiện có hiệu quả phong trào còn tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các hoạt động của địa phương.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Ninh Bình đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân góp 114.402 ngày công lao động, cùng với đó là đóng góp thêm 19,5 tỷ đồng.
Hội Nông dân toàn tỉnh Ninh Bình xây dựng được 276 mô hình giảm nghèo bền vững, đã trực tiếp giúp đỡ 3.579 hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo.
Thông qua phong trào đội ngũ cán bộ hội được rèn luyện và trưởng thành hơn, có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, quản lý dự án, xây dựng các mô hình kinh tế, tổ chức hội đã mở rộng hợp tác với các ngành, các doanh nghiệp để huy động nguồn lực hỗ trợ nông dân.
Phong trào thi đua đã gắn kết giữa tổ chức hội và hội viên, góp phần thu hút, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức hội. Giai đoạn từ năm 2022-2024, đã kết nạp 7.718 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh Ninh Bình lên 137.325 hội viên.
Ông Nguyễn Minh Lộc-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết: "Trong 3 năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Phong trào có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Phong trào đã đạt được những kết quả to lớn, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động,... Phong trào đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.