Xuất khẩu chanh dây chính ngạch vào Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm, đó là những việc gì?
Chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng Đắk Nông còn những việc gì đang phải làm?
Chủ nhật, ngày 31/07/2022 18:52 PM (GMT+7)
Từ 1/7/2022, chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề phải làm cho nông dân, cơ quan quản lý...
Theo bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tia Sáng (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), vài năm qua, giá chanh dây khá ổn định.
Mỗi ha chanh dây, người trồng thu lời khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Điều này giúp cho người trồng chanh dây yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho HTX.
HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tia Sáng (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) chế biến chanh dây phục vụ xuất khẩu
Lâu nay, HTX chủ yếu xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chanh dây sang Hàn Quốc. Còn về thị trường Trung Quốc, HTX phải xuất khẩu qua đơn vị trung gian đến từ Lào, Campuchia. Do qua khâu trung gian, nên chi phí xuất khẩu vào Trung Quốc là rất lớn, làm giảm lợi ích kinh tế của nông dân.
"Chanh dây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, HTX. Thị trường Trung Quốc cũng không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng chanh dây và đây là cơ hội lớn cho bà con Đắk Nông", bà Quê chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT, chanh dây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội cho chanh dây của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng.
Thị trường ở Trung Quốc thiếu chanh dây rất nhiều. Trong khi Đắk Nông lại có lợi thế trồng chanh dây. Tỉnh đã có vùng nguyên liệu chanh dây khá lớn, sản phẩm cũng tương đối ổn.
Thế nhưng, việc xuất khẩu chanh dây chính ngạch sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ. Trước hết là phải xây dựng, có chứng nhận vùng trồng chanh dây.
Muốn làm được điều này, bà con trồng chanh dây cần phải liên kết lại với nhau. Bà con phải áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đồng đều, đạt quy chuẩn xuất khẩu.
Cũng nói về những khó khăn trong xuất khẩu chanh dây chính ngạch sang Trung Quốc, bà Phạm Thị Quê cho biết, xuất khẩu chính ngạch phải có ký kết giữa các bên về chất lượng, số lượng.
Nếu bên xuất khẩu không đáp ứng được các điều kiện sẽ bị phạt ở mức cao. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, điều này rất khó thực hiện. Do đó, các cơ sở cần có sự liên kết với các tập đoàn, công ty có tiềm lực, năng lực tốt mới đáp ứng được.
Còn Tiến sĩ Trần Minh Hải cho biết, muốn thắng lợi thì địa phương nên quy hoạch mã vùng trồng cho chanh dây. "Muốn xuất khẩu thì tỉnh phải xây dựng được mã vùng trồng. Nếu quá trình triển khai có những khó khăn thì Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT sẽ hỗ trợ địa phương về xây dựng mã vùng trồng", ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, vùng trồng chanh dây không nên quá 50 ha. Bởi vì, nếu tạo vùng trồng quá lớn, nhưng lỡ trong đó có 1 nông dân làm không đúng tiêu chuẩn và bị phát hiện, đối tác sẽ cấm nhập khẩu luôn cả vùng. Khi đó rất khó xoay xở.
Ðắk Nông đang có khoảng 1.300 ha chanh dây và được đánh giá là một trong những địa phương có lợi thế phát triển loại cây trồng này. Diện tích chanh dây tập trung nhiều nhất hiện nay gồm: Gia Nghĩa, Ðắk Glong, Tuy Ðức, Ðắk Song...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.