Bỏ phố phường, chị lên đường về quê Long An trồng cánh đồng sâm ra hoa đẹp phát hờn

Thứ tư, ngày 20/07/2022 19:05 PM (GMT+7)
Với thế mạnh làm việc trong ngành Y tế, chị Cương tìm hiểu và quyết định phát triển mô hình trồng cây sâm bố chính tại xã Bình Hòa Nam và Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An).
Bình luận 0

Có công việc ổn định, lương cao tại TP.HCM nhưng chị Nguyễn Phượng Hoàng Cương (32 tuổi) vẫn trăn trở về sự khó khăn của người dân quê mình tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. 

Vậy là ước mơ thực hiện mô hình về nông nghiệp phù hợp với vùng đất, con người nơi đây của chị Cương ngày càng lớn. Với thế mạnh làm việc trong ngành Y tế, chị Cương tìm hiểu và quyết định phát triển mô hình trồng cây sâm bố chính tại xã Bình Hòa Nam và Bình Hòa Bắc. 

Hơn 2 năm gắn bó, mô hình trồng sâm bố chính của chị Cương dần mở ra một tương lai tươi sáng và có định hướng phát triển về du lịch.

  Bỏ phố phường, chị lên đường về quê Long An trồng cánh đồng sâm ra hoa đẹp phát hờn - Ảnh 1.

Vườn sâm bố chính của công ty chị Nguyễn Phượng Hoàng Cương, ,huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.


Luôn đứng lên sau những thất bại

Lớn lên trong điều kiện kinh tế gia đình không khá giả và là chị lớn của 5 người em nên chị Cương rèn luyện cho mình tính tự lập và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Hơn ai hết, chị Cương hiểu rõ sự vất vả, khổ cực của người dân quê mình. Những điều đó thôi thúc chị phải làm gì đó cho quê hương. 

Hiểu rõ Việt Nam có nhiều cây dược liệu quý, có tiềm năng về giá trị kinh tế cao nhưng chưa được phát triển và khai thác đúng mức nên chị Cương quyết định tìm hiểu sâu hơn về hướng phát triển cây dược liệu. Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính một số loại cây dược liệu, phương pháp trồng, đầu ra, thổ nhưỡng ở Đức Huệ,... chị Cương quyết định phát triển mô hình trồng cây sâm bố chính.

Bắt đầu từ 0,5ha đất năm 2018, đến nay, chị Cương phát triển lên 5ha và liên kết với người dân thêm 5ha trồng sâm bố chính. Sâm trồng theo hướng hữu cơ, thu hoạch sau 10 tháng và có đầu ra ổn định từ hệ thống bán sỉ, lẻ và có định hướng xuất khẩu với số lượng lớn. 

Chị Cương tâm sự: “Để có những bước đi cứng cáp như ngày hôm nay là cả quá trình kiên trì và nỗ lực. Tôi khởi nghiệp trong lặng lẽ bởi người thân không ủng hộ tôi mạo hiểm. Tuy nhiên, tôi muốn thoát ra ngoài vùng an toàn của mình, tự làm chủ và hơn hết là tìm hướng đi mới cho nông dân quê mình. Tôi liên tiếp thất bại trong thời gian đầu nhưng ý chí, niềm tin thành công chưa bao giờ giảm trong tôi”.

  Bỏ phố phường, chị lên đường về quê Long An trồng cánh đồng sâm ra hoa đẹp phát hờn - Ảnh 3.

Nhiều người thích thú với cảnh đẹp của hoa sâm bố chính...


Bắt tay thực hiện mô hình, chị Cương thuê 0,5ha đất trồng sâm bố chính nhưng kết quả sâm chết nhiều, số sâm còn sống thì không có củ hoặc củ không đạt yêu cầu. 10 tháng bỏ công vun trồng, chăm sóc, kết quả gần 100 triệu đồng tiền vốn mất trắng.

Quyết tâm không bỏ cuộc, chị Cương rút kinh nghiệm và làm lại từ đầu nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Trồng 5-6 đợt, chị Cương mới dần gặt hái được thành công.

“Sau khi liên tiếp thất bại, tôi tìm được nhà đầu tư và hướng dẫn lại từ đầu về quy trình, kỹ thuật trồng. Những cây sâm bị bệnh cũng được gửi mẫu để tìm hướng xử lý phù hợp cho đợt trồng sau.

Nhờ vậy, sâm đạt năng suất như mong đợi. Vốn bỏ ra cho 1ha trồng sâm khoảng 150 triệu đồng và có thể thu về lợi nhuận 300 triệu đồng sau 10 tháng. Ngoài tự trồng, tôi liên kết với người dân và chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho họ” - chị Cương trải lòng.

Định hướng phát triển du lịch từ mô hình trồng sâm

Mô hình trồng sâm bố chính gặt hái thành công bước đầu, năm 2019, chị Cương quyết định thành lập công ty để chủ động trong việc kinh doanh, tìm đầu ra cho nông sản của mình. Bên cạnh đó, chị Cương ấp ủ dự định tận dụng vườn sâm để phát triển du lịch.

Chị Cương chia sẻ: “Sâm trồng trong 10 tháng và có những khoảng thời gian sâm ra hoa đồng loạt rất đẹp mắt. Vậy là chúng tôi chụp rất nhiều hình để quảng bá trên các trang cá nhân. Hình ảnh ấy “lọt vào mắt xanh” của một công ty du lịch tại TP.HCM. Và họ có ý định hợp tác để phát triển chương trình tour du lịch tại vườn sâm của chúng tôi. Tôi rất hào hứng với kế hoạch này”.

Theo đó, chương trình du lịch được xây dựng là đón khách tại TP.HCM, sau đó thăm một điểm tham quan tại Đức Hòa trước khi về vườn sâm tại Đức Huệ. Tại vườn sâm, khách có thể tham quan, chụp ảnh với hoa sâm, trực tiếp trải nghiệm hoạt động đào sâm và thêm hoạt động hái ổi nữ hoàng cũng của chị Cương. 

Ngoài ra, khách du lịch được thết đãi bữa ăn trưa với các món đặc sản của Long An nói chung, Đức Huệ nói riêng và các món làm từ sâm bố chính. Sau đó, khách được tham quan quy trình xử lý, đóng gói sâm và mua các sản phẩm từ sâm. Hiện tour du lịch tham quan vườn sâm hoàn thành và đã bán được cho khách.

“Từ khi thành lập công ty, tôi xây kho riêng và mua các thiết bị, máy móc hiện đại để xử lý và đóng gói sâm từ vườn về. Nhờ vậy, sâm được bảo quản tốt hơn và làm ra được nhiều sản phẩm: Rượu sâm, trà hoa sâm, sâm ngâm mật ong, sâm tươi,... Cây sâm ngoài lấy củ có thể tận dụng hết toàn bộ từ hoa, lá, thân để làm trà. Nhờ vậy, khách du lịch có nhiều lựa chọn trong việc mua quà lưu niệm cho mình. Ngoài ra, thông qua hoạt động du lịch, tôi còn mong muốn giới thiệu nhiều hơn về mảnh đất, con người quê hương tôi cho khách phương xa biết. Hy vọng, đó sẽ là một trong những lựa chọn để du lịch tỉnh nhà phát triển hơn”.

Với những thành công bước đầu, chị Cương đang và sẽ phát triển thêm nhiều dự định mới để đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn.

Ngọc Thạch (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem