Xuất khẩu gạo sang Philipppines: Sẽ nới thời gian giao hàng

Thứ ba, ngày 03/06/2014 06:25 AM (GMT+7)
Xung quanh vụ việc nhiều doanh nghiệp (DN) trả lại hợp đồng ủy thác không tham gia cung ứng xuất khẩu 800.000 tấn gạo qua Philippines, ngày 2.6 phóng viên NTNN phỏng vấn ông Huỳnh Thế Năng - Tổng Giám đốc Vinafood 2.
Bình luận 0
Xoay quanh vụ lùm sùm có nhiều DN trả lại hợp đồng ủy thác không tham gia cung ứng gạo qua Philippines trong tháng 5 vừa qua, có thông tin Bộ Công Thương đã đề nghị Vinafood 1 và 2 cử người sang Philippines đàm phán lại các điều kiện giao hàng. Không biết kết quả của việc thương thảo này như thế nào, thưa ông?

Theo Vinafood 2, tháng 6 có lúa hè thu thu hoạch nên doanh nghiệp dễ thu mua  để chế biến gạo xuất khẩu.
Theo Vinafood 2, tháng 6 có lúa hè thu thu hoạch nên doanh nghiệp dễ thu mua để chế biến gạo xuất khẩu.

- Đâu có, chúng tôi đâu có đi đâu. Tôi đọc báo thấy các báo nói thế mới biết chứ trước giờ đâu nghe ai nói gì. Cái này mình đã biết trước rồi thì thảo luận với người ta (phía Philippines – PV) cái gì nữa? Vì điều kiện gọi thầu của người ta đã có điều kiện phạt khi giao hàng không đúng chất lượng rất rõ ràng từ đầu, mình chấp nhận rồi mới tham gia đấu thầu, giờ thương thảo lại là sao?

Nhưng những khó khăn mà DN gặp phải khi thực hiện hợp đồng này là có thật. Vinafood 2 có hướng giải quyết thế nào?

- Có 2 lý do mà tôi nghĩ có thể thông cảm cho một số DN đến giờ vẫn chưa tham gia đưa được gạo qua Philippines trong tháng 5 qua. Thứ nhất do họ không chuẩn bị được trước lượng hàng cần giao theo hợp đồng này, chẳng hạn họ làm gạo thơm hay jasmine mà giao họ gạo 15% tấm thì họ không có hàng. Thứ hai, một khi DN đã không có hàng mà mua gạo thời điểm tháng 4 để cung ứng hàng cho tháng 5 thì sẽ bị lỗ ít nhất 10 USD/tấn. Thực ra lỗ 10 USD/tấn không phải là con số lớn với các DN nhưng 3 năm liên tiếp gần đây các DN xuất khẩu gạo đã bị lỗ rất nhiều nên giờ họ không chịu nổi.

Chính vì thế, Vinafood 2 dự định đưa ra hướng giải quyết như sau: Những DN không giao hàng được trong tháng 5 có thể cộng dồn qua thực hiện luôn với phần trong tháng 6 vì tháng 6 đã có lúa hè thu thu hoạch, hoặc chỉ thực hiện được 70% phần của 2 tháng 5, 6 cũng được. Nhưng nếu hết tháng 6 DN cũng không thực hiện luôn thì chúng tôi sẽ đề nghị VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) với Bộ Công Thương thôi không cho DN đó thực hiện nữa để còn sắp xếp cho các DN khác. Còn những gì vi phạm với Nghị định 109 quy định về hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo khi họ không thực hiện thì để Bộ và VFA xử lý, chúng tôi không tham gia việc đó.

Còn vụ bao bì, DN kiến nghị được sử dụng bao của nhà cung cấp khác có giá 4.800 đồng/bao, thấp hơn giá bao bì Vinafood 2 đưa ra tới 400 đồng/bao để tiết kiệm chi phí thực hiện trong điều kiện thực hiện hợp đồng đã lỗ như hiện nay. VFA cũng đã đồng ý và đề nghị Vinafood 2 cho DN tự lo phần bao bì. Thế nhưng đến giờ Vinafood 2 vẫn không đồng ý là vì những lý do gì, thưa ông?

- VFA đã sai khi đồng tình với DN cho họ tự lo vụ bao bì sau khi nhận được văn bản kiến nghị của DN nói rằng có nhà cung cấp bán có 4.800 đồng/bao. Chúng tôi đã cho kiểm tra thì đó là hàng tồn kho của họ, tung ra giảm giá để bán được hàng và hàng cũng không đạt chất lượng. Với lại họ tồn kho có chỉ một mớ, không đủ hàng cho cả hợp đồng 800.000 tấn, phần còn thiếu lại chắc gì có giá đó và lấy gì bảo đảm họ cung ứng được đúng chất lượng.

Tóm lại vấn đề này chúng tôi đã có gửi văn bản trả lời VFA khẳng định điều kiện về bao bì vẫn thực hiện như cũ theo như hợp đồng ủy thác mà Vinafood 2 đã ký với DN. Bởi DN tự lo bao là chết vì tới lúc giao hàng kiểm tra chất lượng bao bì không đạt sẽ phải thay bao khác là ảnh hưởng tới chất lượng gạo liền, lọt chọt như thế sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả những DN khác. VFA cũng đã thống nhất với điều đó.

DN cũng phản ánh cùng một hợp đồng nhưng những điều kiện ràng buộc của Vinafood 1 trong hợp đồng ủy thác nhẹ hơn Vinafood 2 nhiều. Tại sao có việc này?

- Về vấn đề này, VFA cũng có đề nghị chúng tôi thống nhất với Vinafood 1 trong các điều kiện phạt khi DN giao hàng không đúng chất lượng. Việc Vinafood 2 có phụ lục kèm theo hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo đi Philippines ghi rõ các khoản phạt cụ thể nếu gạo không đạt chất lượng theo điều kiện thầu đã ký là nhằm công khai các quy định ràng buộc về trách nhiệm của các bên nhằm tránh sự cố đáng tiếc nếu có tranh chấp về chất lượng sau này.

Và trách nhiệm của DN nhận hợp đồng ủy thác chỉ kết thúc sau khi giao đến tận kho khách hàng là đúng vì hợp đồng khi đấu thầu người ta có quy định như thế. Đặc biệt, trong mùa mưa nắng bão bùng thế này, nếu DN làm không đàng hoàng, chỉ giao cho có là không được. Vì khi có chuyện xảy ra, cả bên ủy thác và bên nhận ủy thác cùng phải chịu trách nhiệm chứ đâu phải chỉ có bên nhận ủy thác chịu trách nhiệm còn chúng tôi thì không đâu.

Xin cảm ơn ông

Chiều 2.6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc đàm phán lại với phía Philippines về một số điều kiện khi giao hàng là việc làm bình thường trong giao thương gạo của DN với DN để tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh. Về việc một số DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL xin trả chỉ tiêu, không tham gia xuất khẩu 800.000 tấn gạo cho Philippines thời gian qua, tôi được biết, VFA đang ngồi lại với nhau để giải quyết. Bản thân các DN trong Hiệp hội Lương thực phải tự "ngồi bàn lại với nhau" bởi các DN đều là thành viên của Hiệp hội, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong xuất khẩu gạo không chỉ riêng thị trường Philipines. Về giá gạo trúng thầu bán cho Philipines bị cho là thấp thì đây là lỗi của VFA, của DN Việt Nam, còn Bộ Công Thương không đi đấu thầu.
Mai Hương (ghi)


Ngọc Minh (thực hiện) (Ngọc Minh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem