Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 24 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều nhất

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 01/06/2024 10:36 AM (GMT+7)
Năm tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Bình luận 0

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết, năm tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%.

Riêng tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023, trong đó, nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%), chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%). Riêng thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%).

Theo Bộ NNPTNT, tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. 

Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%); gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%); điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3%); rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).

Giá xuất khẩu một số mặt hàng đều tăng, cụ thể: Gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%, cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%...

Giá trị xuất khẩu vào các thị trường cũng đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang châu Á 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và Châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%). 

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6%).

Việc ngày càng chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt với những ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn như gỗ và sản phẩm từ gỗ đã giúp ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được con số cũng như tăng trưởng ấn tượng về thặng dư thương mại, với con số xuất siêu 6,53 tỷ USD.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 24 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều nhất- Ảnh 2.

Năm tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%. Ảnh: Phan Thanh

Mới đây, tại cuộc họp liên Bộ giữa Bộ Công thương và Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu gạo và rau quả tăng cả về lượng và giá trị.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà nước ta là thành viên. Các hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.

Ngày 31/5, trả lời báo chí về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 và năm tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo ông Tiến, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành nông nghiệp nước ta phải đối mặt với áp lực lớn từ biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, dưới sự điều hành và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ NNPTNT, nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, sản lượng lúa gạo đạt 17,84 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Về chăn nuôi, đàn lợn tăng 3,8% và gia cầm tăng 3,3%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi tăng sau nhiều năm, có lợi cho người chăn nuôi. Ngành thủy sản đạt 3,5 triệu tấn, trong đó khai thác và nuôi trồng lần lượt đạt 1,9 và 1,6 triệu tấn, tăng 2,6%. Lâm nghiệp đạt 12,5 triệu m3 gỗ từ rừng trồng, tăng 3,7%.

Với kết quả 5 tháng đầu năm đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21%, đặc biệt, với thặng dư thương mại 6,53 tỷ USD, tăng 64,5% so với cùng kỳ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng và sự cố gắng của Bộ NNPTNT, kết quả ngành nông nghiệp năm nay dự báo sẽ rất khả quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem